|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại rút ròng gần 1 tỷ USD trên HOSE, mã nào là tâm điểm?

18:30 | 06/12/2023
Chia sẻ
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng trạng thái bán ròng trong những ngày đầu tháng 12, nâng tổng quy mô rút ròng trên sàn HOSE kể từ đầu tháng 4 lên hơn 23.200 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại rút khỏi những mã nào?

Diễn biến dòng tiền ngoại trên HOSE. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Khối ngoại bán ròng gần 1 tỷ USD trên sàn HOSE kể đầu tháng 4

Mở màn những phiên giao dịch của tháng cuối cùng trong năm, khối ngoại gia tăng cường độ bán ròng, đối lập với những gì diễn ra vào cuối năm ngoái. Trong ba phiên (1- 5/12), giá trị bán ròng toàn sàn HOSE là 2.447 tỷ đồng, bằng 63% tháng trước đó. Phiên 5/12 ghi nhận lực bán đột biến gần 1.600 tỷ đồng, cao nhất 10 tháng. Kể từ đầu tháng 4 tới nay, dòng tiền ngoại rút 23.225 tỷ đồng khỏi sàn HOSE. 

Tiếp diễn xu hướng cuối năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài giải ngân gần 6.000 tỷ đồng vào sàn HOSE trong quý đầu năm 2023. Lực mua chủ yếu từ tổ chức đến từ Đài Loan Fubon FTSE Vietnam ETF và các nhà đầu tư ngoại tăng nắm giữ chứng chỉ quỹ các ETF niêm yết. Nhưng kể từ đầu quý II, dòng tiền xoay chiều, tái diễn kịch bản trong năm 2020 – 2021. Tổng giá trị bán ròng kể từ đầu năm 2023 hơn 15.400 tỷ đồng.

Không riêng Việt Nam, nhiều thị trường khác trong khu vực cũng trong trạng thái rút ròng từ nhà đầu tư nước ngoài 11 tháng đầu năm 2023 như Indonesia (822 triệu USD), Malaysia (569 triệu USD), Phillippines (856 triệu USD), Thái Lan (5,5 tỷ USD). Ngược lại, dòng tiền hàng tỷ USD chảy vào một số thị trường châu Á như Nhật Bản (37,3 tỷ USD), Ấn Độ (14,4 tỷ USD), Trung Quốc (6,8 tỷ USD), Đài Loan (1,6 tỷ USD).

Trở lại với sàn HOSE, áp lực bán kéo dài và trên diện rộng của khối ngoại với cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ ETF nội. Kể từ đầu tháng 4 tới ngày 5/12, giá trị cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE bị bán ròng hơn 18.000 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị bán ròng với các chứng chỉ quỹ nội là 5.000 tỷ đồng, tâm điểm DCVFMVN Diamond ETF, DCVFMVN30 ETF và SSIAM VNFin Lead ETF.

 Những cổ phiếu khối ngoại mua/bán ròng trên 1.000 tỷ đồng kể từ đầu tháng 4. Nguồn: HL tổng hợp.

Những bluechip bị bán nghìn tỷ đồng

Quan sát giao dịch theo từng mã trong giai đoạn trên, sàn HOSE chứng kiến 10 mã bị bán trên 1.000 tỷ đồng, với tổng giá trị 18.680 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động bị xả mạnh nhất với khối lượng gần 75 triệu cổ phiếu, tương ứng 3.226 tỷ đồng. Phần lớn khối ngoại đặt bán theo phương thức khớp lệnh.

MWG đang hở room ngoại gần 5%, một hiện tượng hiếm gặp trong nhiều năm trở lại. MWG từng là khẩu vị ưa thích của nhiều quỹ ngoại nhưng hai tổ chức là cổ đông lớn của Thế giới Di động là Arisaig Partners và Dragon Capital liên tục bán ra. Arisaig Partners không còn là cổ đông lớn của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam dù từng công bố kế hoạch gắn bố lâu dài.

Liên quan đến giao dịch cơ cấu của Dragon Capital, cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa Chất Dầu khí cũng liên tục bị bán. Tổng giá trị bán ròng kể từ đầu tháng 4 là 1.121 tỷ đồng, toàn bộ bằng phương thức khớp lệnh. Một mã dầu khí khác là POW của PV Power cũng bị khối ngoại bán khớp lệnh hơn 1.000 tỷ đồng.

Hai mã chứng khoán ngành F&B là VNM của Vinamilk và MSN của Masan cũng bị bán ròng lần lượt 1.571 tỷ đồng và 1.575 tỷ đồng, chủ yếu bằng khớp lệnh trên sàn. 

Trong bối cảnh dòng tiền tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn trong năm nay, cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực bán lớn. Mã VPB của VPBank dẫn đầu nhóm với 3.074 tỷ đồng, trong đó 2.145 tỷ đồng qua khớp lệnh.

Dòng tiền ngoại rời khỏi ba mã ngân hàng khác là STB (1.894 tỷ đồng), EIB (1.741 tỷ đồng), CTG (1.175 tỷ đồng). Khác với những mã còn lại trong nhóm, tổ chức bán ra EIB hoàn toàn theo phương thức thỏa thuận. Sau khi Sumitomo bán ra toàn bộ cổ phiếu EIB và chuyển sang đầu tư vào VPBank hồi đầu năm, giao dịch những tháng sau đó được cho đến từ các quỹ ngoại, trong đó có VinaCapital.

Ngoài nhóm ngân hàng, cổ phiếu “họ Vin” cũng là tâm điểm. VHM của Vinhomes bị bán ròng 2.292 tỷ đồng kể từ tháng 4, riêng kênh khớp lệnh là 1.622 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại bán VIC và VRE với giá trị tương đương, 848 tỷ đồng và 835 tỷ đồng. Theo dõi giao dịch cho thấy một tổ chức giảm mạnh tỷ trọng cổ phiếu “họ Vin” là Pyn Elite Fund (Phần Lan). Tỷ trọng của VHM cũng giảm trong danh mục của quỹ VEIL do Dragon Capital quản lý.

Không chỉ quỹ Pyn, nhóm Dragon Capital tích cực cơ cấu lại danh mục đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng một số bluechip và mua vào midcap. Hệ quả là nhiều midcap nằm trong danh sách mua vào của Dragon Capital lọt nhóm được mua ròng mạnh kể từ đầu tháng 4 như FRT (784 tỷ đồng), HSG (627 tỷ đồng), VCG (551 tỷ đồng).

Về nguồn bán bluechip khác được các nhà phân tích chỉ ra là dòng tiền p-notes từ các ngân hàng đầu tư như Deutsche Bank, HSBC, Citigroup và Merrill Lynch. Đây là nhóm được cho là đã tham gia giải ngân mạnh vào cuối năm ngoái và có thể đang trong giai đoạn chốt lời.

Ở chiều mua vào, ba mã trên sàn HOSE được mua ròng nghìn tỷ kể từ đầu tháng 4 là HPG, STB và DGC. Một phần lực mua HPG đến từ các quỹ ETF ngoại, trong đó có Fubon FTSE Vietnam ETF khi đây là cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục.

Về phần STG, mã này được mua ròng 1.285 tỷ đồng, hoàn toàn từ giao dịch thỏa thuận. Bên mua vào có một tổ chức là PSA Cargo Solutions Vietnam lnvestments pte. Ltd. (Singapore). Nhà đầu tư ngoại này thực hiện chào mua công khai cổ phần của CTCP Kho vận Miền Nam.

Ngoài những mã trên, khối ngoại còn mua ròng tại một số cổ phiếu bất động sản (PDR, KBC, KDH, HDG), chứng khoán (BSI, FTS, VIX) với giá trị trên 150 tỷ đồng.

Hoàng Linh