|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại mua ròng gần 1.000 tỷ đồng tuần VN-Index lấy lại mốc 1.050 điểm, tâm điểm HSG, SSI

07:30 | 11/03/2023
Chia sẻ
Khối ngoại là một trong những động lực quan trọng giúp VN-Index đi ngược với diễn biến thị trường thế giới, trong tuần khối này đã mua ròng 4/5 phiên với tổng giá trị 915 tỷ đồng trên HOSE.

Sau phiên phát biểu của chủ tịch Fed vào tối ngày 7/3 theo giờ Việt Nam, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh khi để mất hơn 1.200 (gần 4%) trong ba phiên 7 – 9/3.

Tưởng như VN-Index cũng sẽ chịu ảnh hưởng chung từ biến động tiêu cực này, tuy nhiên chỉ số đã bất ngờ duy trì diễn biến tăng điểm trong phiên ngày 8 và 9/3 và chỉ giảm nhẹ trong phiên cuối tuần ngày 10/3, chốt tuần tại 1.053. Tính chung cả tuần, chỉ số đã tăng đến 28,23, tương đương 2,75% so với mức đóng cửa của tuần trước.

Những cổ phiếu là tội đồ của tuần trước hầu hết đã trở lại với vai trò là cổ phiếu dẫn dắt chính cho diễn biến tăng điểm của VN-Index. Cụ thể như MSN tăng 10,4% giúp VN-Index tăng 2,8 điểm là mã ảnh hưởng lớn nhất. VPB xếp thứ hai, ngoài ra còn có ba ngân hàng khác trong Top 10 đó là CTG, BID và VCB với tổng mức ảnh hưởng 6,9 điểm lên chỉ số. VHM và VRE cũng là hai cổ phiếu hỗ trợ mạnh đến chỉ số với mức ảnh hưởng lần lượt là 2,1 điểm và 1,1 điểm.

Khối ngoại là một trong những động lực quan trọng giúp VN-Index đi ngược với diễn biến thị trường thế giới, trong tuần khối này đã mua ròng 4/5 phiên với tổng giá trị 915 tỷ đồng trên HOSE.

Trong đó, HSG và SSI là hai cổ phiếu được khối ngoại ưa thích nhất với giá trị mua ròng lần lượt đạt 176,6 tỷ đồng và 164,2 tỷ đồng. Chiều bán ròng, DCM bị bán ra gần 100 tỷ và là cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất trong tuần.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Tại HNX, khối ngoại duy trì mua ròng hơn 95 tỷ đồng, qua đó đẩy quy mô gom ròng từ đầu năm lên hơn 785 tỷ đồng.

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu PVS tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại với quy mô mua ròng đạt hơn 46,9 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động giải ngân tìm đến một số cổ phiếu như IDC (32,2 tỷ đồng), CEO (19,1 tỷ đồng), TNG (9 tỷ đồng), PVG (0,6 tỷ đồng), ...

Tại chiều bán ròng, giao dịch rút vốn tập trung ở cổ phiếu SHS dẫn đầu danh mục rút vốn với quy mô hơn 7,8 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng bán ròng trên dưới 1 tỷ đồng các mã NVB, PVI, IVS, EID ...

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thị trường UPCoM chứng kiến giao dịch của khối ngoại nghiêng về bên bán với giá trị rút ròng đạt gần 14 tỷ đồng.

Tại chiều mua, cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn dẫn đầu danh mục rót ròng với quy mô 11,6 tỷ đồng. Danh mục giải ngân của khối ngoại còn có các đại diện như ACV (1,8 tỷ đồng), LTG (1,5 tỷ đồng), ABI (1,3) tỷ đồng), DNW (0,9 tỷ đồng), ...

Ở phía ngược lại, khối ngoại chủ yếu bán ròng hơn 18,1 tỷ đồng cổ phiếu VTP của Viettel Post. Ngoài ra, danh mục rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài còn có sự góp mặt của VEA (8,2 tỷ đồng), QNS (tỷ đồng), CLX (3,4 tỷ đồng), VGI (0,9 tỷ đồng), ...

Nhìn chung, thị trường đã tăng 4 phiên liên tiếp trong chuỗi tăng 6/8 phiên vừa qua, cả dòng tiền nội và ngoại quay trở lại đang là nhân tố hỗ trợ thị trường trong nước trước áp lực từ chứng khoán thế giới.

Theo nhận định của chứng khoán MB, sau khi đã tích lũy đi ngang 5 phiên trước đó, thị trường tăng tốt ở hai phiên vừa qua đang tạo vùng đệm về lợi nhuận cho nhà đầu tư, nhiều cổ phiếu đang có mức lãi vượt trội so với thị trường chung. Các nhịp rung lắc như trong phiên chiều sẽ qua nhanh khi nhà đầu tư đã có “vốn”.

Về kỹ thuật, VN-Index đã lấy lại các ngưỡng kỹ thuật quan trọng như MA100, MA50, … nhờ đó đã lôi kéo được dòng tiền mới quay lại thị trường khi các chỉ báo kỹ thuật được cải thiện lên trạng thái tích cực. 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo