Khối ngoại bán ròng hơn 880 tỷ đồng trên HOSE tuần VN-Index thủng mốc 1.250 điểm, tập trung xả NVL, STB, SSI
Giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ 2/9, VN-Index đã có 2 phiên kiểm định ngưỡng 1.280, đến phiên ngày 7/9 thị trường xuất hiện những thông tin vĩ mô ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý NĐT như thông tin NHNN nâng tỷ giá mua vào USD thêm 300 đồng, lên mức 23.700 VND/USD và lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, lập đỉnh mới trong năm.
Lo lắng trước biến động vĩ mô, NĐT đã đồng loạt bán mạnh cổ phiếu, kéo VN-Index giảm hơn 34 điểm, xuyên thủng mốc 1.250. VN-Index sau đó tiếp tục giảm về 1.234 trong phiên 8/9 và bất ngờ đảo chiều trong phiên cuối tuần để chốt tuần tại 1.248,78. Tính chung cả tuần chỉ số chính sàn HOSE đã giảm 31,73 điểm tương ứng với mức giảm 2,48%.
Sau thông tin về số liệu room tín dụng được phân bổ của các ngân hàng, cổ phiếu nhà băng đồng loạt giảm mạnh đi ngược với kỳ vọng trước đó và trở thành lực cản mạnh nhất của VN-Index trong tuần.
Trong đó, VCB, BID và CTG là 3 mã dẫn đầu giảm điểm với tổng điểm ảnh hưởng đến VN-Index là 11,8. Ngoài ra VPB, MBB và TCB cũng có mặt trong Top10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực. Chiều tăng điểm, NVL và HPG là 2 mã dẫn đầu với mức ảnh hưởng lần lượt 1,4 và 1,2 điểm.
Trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 883 tỷ đồng trong tuần, giao dịch rút vốn ghi nhận ở 3 phiên đầu tuần, 2 phiên cuối tuần nhóm này trở lại mua ròng. Trong đó, khối ngoại đẩy mạnh quy mô rút ròng với cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE từ 528 tỷ đồng tuần trước lên gần 754 tỷ đồng tuần này. Tương tự, giá trị rút ròng với sản phẩm chứng chỉ quỹ ETF nội tăng từ gần 36 tỷ đồng lên 129 tỷ đồng.
Đẩy mạnh bán ròng NVL trên HOSE, VNM và HPG quay lại Top mua ròng
Xét giao dịch theo từng mã, tâm điểm bán ròng thuộc về cổ phiếu NVL của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va dẫn đầu với giá trị gần 221,6 tỷ đồng, tương đương 2,7 triệu đơn vị. Theo ghi nhận, mã này gần đây liên tục có mặt trong danh mục bán ròng của NĐT nước ngoài trong thời gian gần đây. Tuần qua NVL là lực đỡ lớn nhất thị trường với mức tăng hơn 3,4%.
Cổ phiếu STB của Sacombank cũng bị chốt lời mạnh tay trong tuần này với quy mô 143,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch tập trung chủ yếu vào 3 phiên cuối tuần.
Kế đến, NĐT nước ngoài cũng rút ròng mạnh khỏi nhiều cổ phiếu khác trên sàn HOSE như SSI (133,8 tỷ đồng), KDH (89,4 tỷ đồng), VJC (75,1 tỷ đồng), VCB (75 tỷ đồng).
Những cổ phiếu này đều là các bluechip đầu ngành trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên lại không thể hiện vai trò trụ đỡ trong tuần qua. Điển hình như ông lớn VCB thậm chí là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất lên thị trường chung với mức giảm 6,2% trong tuần.
"Ông lớn" ngành chứng khoán SSI cũng làm NĐT nản lòng khi đánh mất động lực hồi phục, hiện thị giá chỉ dừng ở mức 22.200 đồng/cp, giảm 7,5% sau 5 phiên.
Dòng vốn ngoại có động thái rút ròng nhẹ hơn khỏi cổ phiếu MIG (66,2 tỷ đồng), KBC (61,3 tỷ đồng), VND (56,6 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, giao dịch mua ròng có dấu hiệu quay trở lại cổ phiếu thực phẩm và thép với hai đại diện quen thuộc là VNM (187,3 tỷ đồng) và HPG (142 tỷ đồng).
Kế đó, PVD tiếp tục có mặt trong danh sách hút tiền với giá trị 125,9 tỷ đồng. Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, nhóm quỹ nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý vừa mua vào 3,1 triệu cổ phiếu PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) thông qua 2 quỹ thành viên.
Cụ thể, CTBC Vietnam Equity Fund mua 3 triệu cổ phiếu và KB Vietnam Focus Balance Fund mua 100.000 đơn vị. Sau giao dịch trên, tổng sở hữu của cả nhóm nhà đầu tư nước ngoài tăng từ 4,77% lên 5,33%, qua đó có mặt trong danh sách cổ đông lớn từ ngày 7/9.
Mặc dù có động thái chốt lời nhóm ngân hàng, nhưng HDB lại được NĐT nước ngoài gom mua với giá trị 92,9 tỷ đồng. Giao dịch cùng chiều còn được chứng kiến tại các cổ phiếu như NLG (54,3 tỷ đồng), MSN (53,2 tỷ đồng), POW (33,3 tỷ đồng), PVT (27,7 tỷ đồng), CMG (26,4 tỷ đồng), DGC (22,2 tỷ dồng),..
Khối ngoại tập trung gom PVS trên HNX
Tuần qua, giao dịch của khối ngoại trên sàn HNX nghiêng về bên mua với quy mô vào ròng hơn 70,54 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khối này tập trung gom cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam với giá trị đột biến lên tới 86,5 tỷ đồng, bỏ xa các mã còn lại trong danh mục giải ngân.
Nối tiếp, dòng tiền ngoại còn tìm đến các mã PVI (1,9 tỷ đồng), TV4 (1,1 tỷ đồng), VCS (1 tỷ đồng), MBS (0,9 tỷ đồng).
Trong khi đó, hoạt động rút vốn tương đối dàn trải khi không tập trung vào một mã cụ thể nào. Cổ phiếu SHS của Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội dẫn đầu chiều rút vốn với 7,6 tỷ đồng. Theo sau, dòng tiền ngoại chỉ rút khỏi một số mã quen thuộc với quy mô không quá 7 tỷ đồng, có thể kể đến IDC (6,5 tỷ đồng), BCC (5,4 tỷ đồng), APS (3,4 tỷ đồng), TVD (1,1 tỷ đồng).
Duy trì xu hướng bán ròng trên thị trường UPCoM
Tiếp nối xu hướng bán ròng từ các tuần trước đó, khối ngoại duy trì rút ròng trên thị trường UPCoM với quy mô gần 75 tỷ đồng.
Cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP tục thu hút mạnh nhất dòng vốn ngoại khi được mua ròng 3,9 tỷ đồng. Lực cầu theo sau cũng tìm đến một số cổ phiếu như QNS (1,7 tỷ đồng), VTP (1,4 tỷ đồng), ACV (1,2 tỷ đồng), MML (1,1 tỷ đồng).
Chiều bán giao dịch khá tập trung ở mã GEE của Thiết bị Điện Gelex bị bán ròng mạnh nhất với 60 tỷ đồng. Kế đến, một số mã với lực xả khiêm tốn hơn, ví dụ như SIP (7,7 tỷ đồng), QTP (5,9 tỷ đồng), BSR (5,6 tỷ đồng), NTC (3,2 tỷ đồng).