|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Khoản nợ thế chấp bằng 95 ha đất KCN Tuy Phong được ngân hàng rao bán 533 tỷ đồng

08:13 | 15/12/2023
Chia sẻ
62 thửa đất tại Khu công nghiệp Tuy Phong với tổng diện tích 95,6 ha đang được thế chấp tại Agribank. Đây là tài sản bảo đảm cho khoản vay của một công ty trang sức.

KCN Tuy Phong được khởi công từ năm 2014. (Ảnh: Báo Bình Thuận).

Agribank Chi nhánh 4 vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến.

Theo đó, dư nợ (bao gồm cả gốc lẫn lãi) của doanh nghiệp tính đến ngày 17/11 gần 533 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho toàn bộ khoản nợ đều là các bất động sản. 

Cụ thể, tài sản thứ nhất là quyền sử dụng 62 thửa đất tại Khu công nghiệp Tuy Phong (tổng diện tích hơn 956.000 m2), chủ sở hữu là Công ty TNHH Tân Đại Tiền Bình Thuận. Hình thức sử dụng là sử dụng riêng, mục đích sử dụng là đất khu công nghiệp. Thời hạn sử dụng đến ngày 31/12/2063. Nguồn gốc sử dụng là nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần.

Tổng diện tích các thửa đất là 956.639 m2 (đất kinh doanh thương phẩm, không bao gồm đất giao thông và các công trình phụ trợ khác). Trên đất hiện không có tài sản hình thành.

Tài sản thứ hai là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 684 (307 Lê Văn Quới, khu phố 1, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM). Diện tích khu đất là 1.214,2 m2; tài sản gắn liền với đất là nhà ở riêng lẻ diện tích xây dựng 565,4 m2 và diện tích sàn là 4.456,7 m2.

Ngoài ra còn có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 501 (309 Lê Văn Quới, khu phố 1, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM) với diện tích 842,3 m2. Tài sản gắn liền với đất là nhà ở riêng lẻ, diện tích xây dựng là 523,4 m2 và diện tích sàn là 4.338,4 m2. Đây là tài sản thuộc sở hữu của bà Trương Thị Lan.

Giá khởi điểm của khoản nợ được đưa ra đấu giá gần 533 tỷ đồng (đúng bằng dư nợ). Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến vào ngày 12/1/2024.

CTCP Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến được thành lập vào tháng 5/2004, hoạt động chính trong lĩnh vực buôn bán kim loại và quặng kim loại. Tên gọi của Công ty bắt nguồn từ tên của nhà sáng lập ông Ngô Đức Tiến (sinh năm 1962). 

Tại thời điểm đăng ký thay đổi hồi tháng 4/2022, doanh nghiệp có vốn điều lệ 350 tỷ đồng. Tổng giám đốc / Giám đốc kiêm người đại diện sau khi thay đổi từ ông Ngô Đức Tiến, bà Trần Thị Ngân Khánh, ông Tạ Duy Hải, ông Vũ Trần Đức Duy... thì nay là ông Nguyễn Đình Thục (sinh năm 1994).

Vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin doanh nghiệp này chậm trả gốc trái phiếu đáo hạn ngày 15/10/2022. Nguyên nhân là do công ty chưa thu xếp được nguồn vốn. Lô trái phiếu này được Đá quý và Trang sức Đức Tiến phát hành ngày 15/10/2021, đáo hạn ngày 15/10/2022, mệnh giá 500 tỷ đồng, lãi suất cố định 12%/năm. 

Còn Công ty TNHH Tân Đại Tiền Bình Thuận được thành lập vào tháng 4/2014, ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản.

Tại thời điểm đăng ký thay đổi hồi tháng 7/2023, doanh nghiệp có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, gồm ba cổ đông: Nguyễn Quang Nghĩa (90%), Vũ Trần Đức Duy (9,5%) và Nguyễn Duy Tiến (0,5%). Trong đó, ông Duy hiện đang là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật công ty. Ngoài ra, ông Duy từng là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Đá quý và Trang sức Đức Tiến.  

Tân Đại Tiền Bình Thuận là chủ đầu tư Khu công nghiệp Tuy Phong có diện tích giai đoạn 1 là 150 ha, giai đoạn 2 là 100 ha nằm tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là khu công nghiệp đầu tiên của huyện Tuy Phong có diện tích khá lớn nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hảo. Tuy nhiên, việc xây dựng hạ tầng vẫn chưa xong, chưa có nhà đầu tư thứ cấp nào vào đầu tư. 

Tính đến tháng 7 vừa qua, chủ đầu tư đã thi công san ủi mặt bằng đạt khoảng 75% diện tích KCN, cơ bản hoàn thành các tuyến đường giao thông (đường N2A, đường D1, D2, D3, N1) và hệ thống thoát nước; cổng vào KCN; đang hoàn chỉnh thủ tục để đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhà máy cấp nước, nhà điều hành KCN...

Công Tâm

NHNN bơm gần 25.000 tỷ qua kênh OMO, lãi suất lên cao nhất trong gần một năm
Ngày 22/5, NHNN đã có động thái nâng lãi suất cho vay qua kênh OMO lên 4,5%/năm. Đây có thể là động thái tiếp theo của nhà điều hành nhằm đẩy lãi suất thị trường 2, giúp giảm áp lực tỷ giá.