|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khó xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp vì doanh nghiệp thiếu lòng tin

09:15 | 16/12/2018
Chia sẻ
Hệ sinh thái khởi nghiệp chưa kết nối chặt chẽ khi start up còn nghi ngờ doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp lớn thiếu cơ sở để tin tưởng start up.
kho xay dung he sinh thai khoi nghiep vi doanh nghiep thieu long tin Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo

Cùng với sự tạo điều kiện về chính sách của Chính phủ, các hoạt động hỗ trợ của bộ ngành thì vai trò của các doanh nghiệp lớn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp là rất quan trọng. Có thể thấy ngay trước mắt là doanh nghiệp lớn hỗ trợ khởi nghiệp về vốn, công nghệ, sau đó là kết nối vào chuỗi sản xuất, cùng vươn ra thị trường thế giới nếu các dự án khởi nghiệp thành công. Thế nhưng, đại diện của chính các doanh nghiệp lớn cho rằng, chính doanh nghiệp khởi nghiệp, dự án khởi nghiệp không tin và tạo được lòng tin ở các doanh nghiệp lớn.

kho xay dung he sinh thai khoi nghiep vi doanh nghiep thieu long tin

Hệ sinh thái khởi nghiệp chưa kết nối chặt chẽ khi start up còn nghi ngờ doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp lớn thiếu cơ sở để tin tưởng start up. (Ảnh minh họa: KT).

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam và các thành phần kinh tế rất quan tâm đến khởi nghiệp. TPHCM cũng vậy, cụ thể là thành phố đã xây dựng Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (SIHUB) làm địa chỉ cho doanh nghiệp khởi nghiệp làm việc, giao lưu kết nối. Đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp có những thành công bước đầu, sản phẩm khởi nghiệp đưa ra thị trường, tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp lớn, đồng thời gọi được vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, các yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp được đánh giá là chưa kết nối chặt chẽ, chưa phát triển lành mạnh khi mà các start up còn nghi ngờ doanh nghiệp lớn và ngược lại doanh nghiệp lớn cũng thiếu cơ sở để tin tưởng start up.

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu, đầu tư cho 5 dự án khởi nghiệp trong năm 2018 cho rằng, một doanh nghiệp khởi nghiệp khi bước vào cuộc chiến kinh doanh thì thiếu rất nhiều, đầu tiên là vốn, công nghệ rồi sau đó là quản trị, là tham gia chuỗi sản xuất, là thị trường. Trong 10 yếu tố cơ bản của khởi nghiệp thì các start up ở Việt Nam chỉ có được 1 yếu tố là ý tưởng, có thể thêm yếu tố đội ngũ tích cực, còn lại là thiếu hết. Thế nhưng, nhiều start up vừa tìm kiếm sự hỗ trợ ở doanh nghiệp lớn vừa sợ bị “nuốt”, bị thôn tính.

Ông Tuấn cho hay, "Tìm đến với các doanh nghiệp lớn thì các bạn khởi nghiệp sẽ tìm thấy ở đó một nhà cố vấn, một nhà đầu tư, một nhà hỗ trợ tài chính. Kết nối với doanh nghiệp lớn các bạn sẽ có thị trường. Rất nhiều bạn khởi nghiệp nói là rất sợ doanh nghiệp lớn vị sợ “bị nuốt”. Tôi với tư cách là doanh nghiệp lớn tối khẳng định là chúng tôi không nuốt làm gì vì tôi cần các bạn ở đấy để làm với chúng tôi, đưa giải pháp của các bạn vào chuỗi giải pháp của chúng tôi thì tôi nuốt làm gì. Và chúng tôi không bao giờ đầu tư mang tính chất chi phối".

Khởi nghiệp không thể tách khỏi hệ sinh thái, đó là tổng hòa của các yếu tố như chính sách, sự hỗ trợ, thị trường... Bất kỳ doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng thật sự cần có vai trò của nhà đầu tư, nhà cố vấn, nhà khoa học. Nhưng phần đông các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa tạo được niềm tin với doanh nghiệp lớn.

Ông Nguyễn Việt Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam phân tích: Các dự án khởi nghiệp khi đi gọi vốn thường quá quan tâm, đam mê với sản phẩm của mình mà quên đi câu chuyện kinh doanh. Khi gọi vốn, họ không cho doanh nghiệp lớn thấy được sự đo lường thị trường, xác định được năng lực cạnh tranh và lợi thế của mình. Họ không đưa cho nhà đầu tư một cơ hội thoái vốn. Trong khi các nhà đầu tư khi đầu tư cho các dự án khởi nghiệp là phải đối mặt với thanh khoản khi mua 5-7 năm có khi chẳng phát triển được, chẳng bán được; chịu rủi ro về thay đổi công nghệ, về tính liêm chính, về khả năng xung đột sở hữu trí tuệ, định giá, khả năng mất kiểm soát và che dấu thông tin… cho nên, niềm tin của doanh nghiệp lớn- nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp là có giới hạn.

"Cả phía dự án khởi nghiệp và nhà đầu tư đang tạo ra hệ sinh thái đầu tư rất nghèo nàn. Và chỉ khi những câu chuyện này được chia sẻ ra, chúng ta lắng nghe nhau, tìm giải pháp đi cùng với nhau thì bài toán về vốn cho dự án khởi nghiệp mới có màu sắc mới hơn, tích cực hơn và đem lại bức tranh sán lạn cho hệ sinh thái khởi nghiệp", ông Đức nói.

Vài năm trở lại đây, không riêng ở Việt Nam, khởi nghiệp đã trở thành cao trào ở nhiều quốc gia. Nền tảng của công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều yếu tố cho phát triển, đưa ra công cụ mới giúp doanh nghiệp thay đổi cách làm, có sự tương tác, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, doanh nhân muốn khởi nghiệp.

Muốn đưa các doanh nghiệp khởi nghiệp vào thị trường thế giới thì phải có sự chuẩn bị các tiêu chuẩn, cách làm việc cho phù hợp. Nhiều công nghệ, cách làm của thế giới đã có, đã được nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam ứng dụng và cũng khuyến khích mở rộng thì cần được phổ biến cho các startup.

Ông Hoàng Minh Trí, Giám đốc AiPac (San Jose, Mỹ), người khởi nghiệp thành công tại thung lũng Silicon (Mỹ) và đang là nhà đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp cho rằng, "Lợi thế của khởi nghiệp Việt Nam hiện nay là lĩnh vực phần mềm khá, thông hiểu thị trường hiện có. Đó là những yếu tố quan trọng để các công ty nước ngoài thích vì họ có đối tác giúp họ đi ngay vào thị trường Việt Nam. Mình sẽ có cơ hội hợp tác cùng với họ phát triển công nghệ".

Ông Nguyễn Hoàng, Phó Giám đốc ngành Lương thực của Tập đoàn Lộc Trời chuyên về nông nghiệp khẳng định: Trong chuỗi giá trị của một ngành hàng nào đó luôn cần có những doanh nghiệp lớn mạnh. Các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào chuỗi này được sự hỗ trợ rất nhiều để đứng vững, khẳng định và phát triển. Lộc Trời đang làm vai trò của một doanh nghiệp lớn trong chuỗi.

"Chúng tôi xác định, muốn xây dựng chuỗi thì mình phải là người tiên phong, đứng mũi chịu sào, làm trung tâm xâu chuỗi các bộ phận liên quan để xây dựng chuỗi lúa gạo, chấp nhận hy sinh quyền lợi ban đầu để thuyết phục mọi người cùng làm chuỗi", ông Hoàng cho hay.

Có thể thấy rằng, trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đang có sự thiếu liên kết giữa các tỉnh thành, vùng miền với nhau. Hệ sinh thái khởi nghiệp ở TPHCM đang rất sôi động, nhiều nguồn lực hỗ trợ… nhưng các chương trình đang thiếu thông tin kết nối, chưa đi vào chiều sâu. Lòng tin giữa doanh nghiệp lớn với start up và ngược lại chưa được củng cố, xác lập cho nên còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện mối quan hệ này.

Xem thêm

Minh Hạnh