Khó tuyển dụng nhân lực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam
Theo Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu là đưa trí tuệ nhân tạo trở thành công nghệ mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo của Việt Nam chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu thị trường, dẫn đến khó khăn trong tuyển dụng.
Để thực hiện được mục tiêu cung cấp cho xã hội đội ngũ kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, thông qua các khóa học ngắn hạn hay đưa các môn học về chủ đề này vào chương trình đào tạo trong các trường đại học.
Phân tích về những cơ hội và thách thức trong đầu tư phát triển AI, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Trí tuệ nhân tạo Torus AI cho biết: Trí tuệ nhân tạo là ngành mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong cuộc đua nghiên cứu phát triển AI, ngành dự đoán sẽ tạo ra hơn 15 nghìn tỷ USD, tương đương với hơn 10% sản lượng kinh tế thế giới hàng năm kể từ 2030, vậy quốc gia có tiềm lực kinh tế, khoa học và công nghệ ở mức trung bình như Việt Nam có những cơ hội nào?
Với nguồn lực đầu tư còn hạn chế, Việt Nam mới chỉ ưu tiên cho nhiều vấn đề trước mắt và cấp bách như giáo dục, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo…
Điểm mạnh lớn nhất hiện nay là Việt Nam có một đội ngũ nghiên cứu trẻ về AI được đào tạo bài bản ở nước ngoài, đứng thứ hai Đông Nam Á về số lượng bằng phát minh sáng chế về AI.
Điểm yếu của Việt Nam chính là hạ tầng dữ liệu và tính toán mới đang ở mức sơ khởi, dữ liệu dù có rất nhiều nhưng lại rải rác ở khắp nơi và nếu có dữ liệu thì chủ yếu chỉ ở dạng thô, chưa được xử lý và chuẩn hóa.
Gợi ý về chiến lược phát triển cho Việt Nam qua 12 khía cạnh của nền kinh tế AI, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh, muốn hưởng lợi nhiều từ AI thì Việt Nam phải đầu tư thật mạnh vào hệ sinh thái AI (gồm nhiều yếu tố, lĩnh vực khác nhau, trong đó có phần cứng và phần mềm máy tính, điện toán đám mây, dữ liệu, thuật toán học máy, ứng dụng AI, thị trường người sử dụng, hệ thống luật lệ….).
Lĩnh vực nào cũng cần thiết và có nhiều cơ hội nhưng từng cá nhân, tổ chức, quốc gia cần chọn lựa những lĩnh vực mà mình có lợi thế, ít rào cản, dễ tạo ra giá trị thặng dư nhất; đồng thời củng cố các lĩnh vực còn yếu qua học hỏi, hợp tác, nhập khẩu công nghệ.
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm, việc theo dõi, nắm bắt các công cụ và ứng dụng AI hiện đại, điều chỉnh chúng để đưa vào sử dụng cho các vấn đề thực tế sẽ giúp tăng năng suất lao động. Một ví dụ là nền tảng AI xử lý ngôn ngữ tự nhiên như ChatGPT (hệ thống chatbot dựa trên AI xử lý ngôn ngữ tự nhiên để tạo các cuộc hội thoại) đã xuất hiện rất nhiều ứng dụng chuyên môn hóa dựa trên nền tảng này, cho nhiều công việc khác nhau từ dịch thuật cho đến kê đơn thuốc, lập trình, sáng tác nghệ thuật…
Tại tọa đàm, diễn giả cũng giải đáp những câu hỏi được nhiều người quan tâm như: Việt Nam có thể đầu tư cho AI như thế nào để tối ưu nguồn lực? Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam thuộc loại vừa và nhỏ có khả năng bắt kịp xu hướng hay không? Các công ty của Việt Nam có thể ưu tiên xu hướng nào trong nghiên cứu và phát triển AI?... Từ đó có hướng đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo thành công nghệ mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về trí tuệ nhân tạo trong khu vực.