Khó hiểu thương vụ bán 18 siêu thị Auchan Việt Nam
Việc tập đoàn bán lẻ Auchan Retail nổi tiếng của Pháp tuyên bố rút khỏi Việt Nam (VN), bán lại 18 siêu thị và thanh lý toàn bộ hàng hóa đang gây nhiều thắc mắc trong giới kinh doanh: Vì sao chưa đàm phán, chuyển nhượng xong và chưa chốt đối tác mua lại, Auchan vẫn quyết định đóng cửa hầu hết siêu thị?
Vẫn chưa biết chủ nhân mới là ai
Ngày hôm qua (3-6), Auchan VN thông báo chính thức đóng cửa 15/18 siêu thị tại TP.HCM, Tây Ninh và Hà Nội. Như vậy, sau năm năm kinh doanh tại VN, chỉ ba siêu thị còn lại tại TP.HCM sẽ được duy trì hoạt động gồm: Hai siêu thị ở quận 7 là Auchan Crescent Mall và Auchan Era cùng Auchan Hoàng Văn Thụ ở quận Tân Bình. Tuy vậy, theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, Siêu thị Auchan Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) cũng sẽ rút khỏi thị trường vào tháng 10 tới đây.
Bà Vũ Thị Kim Nương, Giám đốc truyền thông Auchan VN, cho biết quá trình chuyển nhượng vẫn đang nằm trong vòng thương thảo và đàm phán. Do đó, tới thời điểm hiện tại đơn vị này vẫn chưa thể tiết lộ tên ông lớn nào sẽ nắm quyền điều hành hệ thống Auchan tại VN sau khi tập đoàn này rút lui.
Thực tế lâu nay trong ngành bán lẻ, chủ sở hữu thương hiệu cũ thường chuyển giao sang ngang toàn bộ tài sản (mặt bằng, hàng hóa, thậm chí cả đội ngũ quản lý và nhân viên...) cho đối tác mới, sau đó mới tuyên bố rút lui. Bởi theo giới kinh doanh, sau khi bán xong cho đối tác mới, DN chủ hiện tại tuyên bố rút lui sẽ ổn định tâm lý cho đối tác, khách hàng, nhân viên và đặc biệt là bán “được giá hơn”. Điển hình là hãng phân phối Casino Group của Pháp đã bán lại hệ thống siêu thị Big C VN cho Tập đoàn Central Group của gia tộc tỉ phú Thái Chirathivat với tổng giá trị thương vụ lên tới 1,05 tỉ USD.
Tuy nhiên, khác với các giao dịch chuyển nhượng thông thường trước đó, Auchan VN lại tuyên bố thua lỗ, thanh lý hàng hóa và đóng 15/18 siêu thị tại VN dù chưa hoàn tất quá trình đàm phán và tìm ra ai sẽ là chủ nhân mới.
Lý giải về quyết định có phần “khó hiểu” này, Giám đốc truyền thông Auchan VN Vũ Thị Kim Nương cho rằng nguyên nhân liên quan đến thực trạng kinh tế. Bà Nương cho rằng nếu cứ tiếp tục duy trì hoạt động của các chuỗi siêu thị tại VN tới khi đàm phán xong việc bán lại, thời gian có thể kéo dài vài tháng, Auchan sẽ phải gánh thêm nhiều chi phí và lún sâu trong thua lỗ.
“Vì thế quyết định đóng 15/18 siêu thị của ban giám đốc Auchan VN là phù hợp trong bối cảnh phần lớn đều đang kinh doanh thua lỗ” - đại diện Auchan VN nói.
Auchan chính thức nói lời chia tay với thị trường VN. Ảnh: THU HÀ
Bán thương hiệu hay cơ sở kinh doanh
Tuy vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng dường như động thái ra đi của Auchan Retail “khác thường” so với các tập đoàn khác. “Lãnh đạo Tập đoàn Auchan tại Pháp cho biết mảng kinh doanh bán lẻ của họ tại Ý sẽ được bán cho Conad, tập đoàn bán lẻ hợp tác xã của Ý. Vậy vì sao họ không làm như vậy với các siêu thị của họ ở VN? Liệu có phải Auchan chỉ muốn bán thương hiệu chứ không phải bán tài sản?...” - đại diện một doanh nghiệp (không muốn nêu tên) thắc mắc.
Vị đại diện doanh nghiệp trên cũng lập luận: Việc chuyển nhượng siêu thị khi đã thanh lý hàng hóa tồn kho đồng nghĩa với việc Auchan chỉ còn lại thương hiệu tại VN. Điều này cũng có nghĩa là khi nhà bán lẻ nào đó mua lại, họ sẽ chỉ mua thương hiệu mà Auchan đang sở hữu!
Trả lời những thắc mắc này, đại diện Auchan VN, ông Trần Phước Tuấn, Giám đốc nhân sự, cho biết: Việc thanh lý hàng hóa trước khi chuyển nhượng là để giảm bớt gánh nặng kinh tế. Tuy nhiên, vị này không trả lời rõ ràng được câu hỏi việc thanh lý hàng hóa có đồng nghĩa với việc Auchan chỉ bán thương hiệu hay không.
“Nó phụ thuộc vào thông tin trong quá trình trao đổi với đối tác tiềm năng. Mỗi bên mua có những nhu cầu và kế hoạch khác nhau. Vì thế, tính tới thời điểm hiện tại thông tin việc chuyển nhượng Auchan chỉ đơn thuần là bán thương hiệu là chưa đúng và chưa có quyết định nào cả” - ông Tuấn nói.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang bình luận rằng việc Auchan tại VN tuyên bố chia tay và đồng loạt bán hàng giảm giá là không “khác thường”. Nói cách khác đây cũng là hoạt động bình thường trong kinh doanh. Bởi nếu để hàng tồn trong kho lâu, chi phí càng lớn thì càng gánh lỗ cao, do đó thanh lý hàng hóa càng sớm càng tốt.
Mặt khác, thông thường các tập đoàn bán lẻ khi bán lại hệ thống phân phối tại VN là bán về cơ sở vật chất chứ không thể bán thương hiệu. Lý do thương hiệu của họ là thương hiệu toàn cầu, nếu bán thương hiệu là bán giá trị thương hiệu toàn cầu.
“Ở đây có thể thấy Auchan bán các cơ sở kinh doanh tại một số quốc gia như VN mà họ cảm thấy kinh doanh không hiệu quả. Như vậy, nếu chủ mới tiếp nhận hệ thống kinh doanh siêu thị Auchan sau một thời gian sẽ phải đổi tên khác. Tuy vậy, việc bán lại thương hiệu hay toàn bộ cơ sở vật chất lẫn thương hiệu của các tập đoàn bán lẻ thế giới là do thỏa thuận giữa các bên” - ông Quang giải thích thêm.
Nuôi tham vọng lớn rồi bất ngờ chia tay
Chuỗi siêu thị nổi tiếng Auchan chính thức có mặt tại VN năm 2015 và đang sử dụng 1.000 nhân viên, có khoảng 10 tỉ lượt khách hàng mua sắm.
Do vậy, việc rút lui của tập đoàn bán lẻ Pháp được cho là khá bất ngờ bởi đại diện Auchan tại VN từng tuyên bố đặt mục tiêu tăng số lượng cửa hàng tại VN lên 300 trong vòng bốn năm tới, tập trung ở hai khu vực chính là Hà Nội và TP.HCM.
Auchan tung đợt bán hàng giảm giá trước khi chia tay. Ảnh: THU HÀ
Auchan cũng từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào thị trường bán lẻ VN. Song kết quả kinh doanh của Auchan tại nước ta không khả quan, chỉ đạt 45 triệu euro doanh thu năm 2018 và lâm vào cảnh thua lỗ.
Trong thông cáo vừa gửi báo chí, Auchan gửi lời cám ơn tới cơ quan địa phương, các đối tác, nhân viên, người tiêu dùng trong gần năm năm qua. Đặc biệt, doanh nghiệp này gửi lời cám ơn đến các công ty, đối tác tại VN đã chia sẻ việc làm mới, môi trường mới cho nhân viên Auchan tại 15 cửa hàng đã đóng cửa.