|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Khiêm nhường bị bỏ quên khi nói đến thái độ của nhà khởi nghiệp'

06:52 | 18/11/2016
Chia sẻ
Lucy Keoni là chuyên gia người Mỹ gốc Việt có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp và giới doanh nghiệp nhỏ. Trong buổi chia sẻ tại Diễn đàn khởi nghiệp Việt Nam 2016 diễn ra mới đây tại TP.HCM, Lucy cho rằng, nhiều nhà khởi nghiệp hiện nay còn thiếu nhiều kỹ năng mềm và đặc biệt là thiếu định hướng.

Lucy Keoni cho biết "Một vấn đề tôi thấy không chỉ ở đây hay ở thung lũng Silicon mà còn ở rất nhiều nơi trên thế giới là thiếu kỹ năng mềm cần thiết để trở thành lãnh đạo giỏi. Có người tốt nghiệp Stanford, MIT có những ý tưởng sáng tạo hay, thậm chí được tài trợ, nhưng họ dễ dàng tiêu sạch tiền bởi vì không tính đến dài hạn, không biết cách lãnh đạo, giao tiếp, định hướng cho đội nhóm của mình. Tôi thấy 95% startup thất bại là vì không có định hướng rõ ràng. Vì thế rất cần các nhà đầu tư, cố vấn, chuyên gia nhìn nhận vấn đề này và dẫn dắt họ".

Để giúp cộng đồng startup Việt hiểu hơn về hoạt động này, trong buổi chia sẻ tại Diễn đàn khởi nghiệp Việt Nam vừa rồi, chị Lucy Keoni đã thẳng thắn chia sẻ với mọi người về vấn đề khởi nghiệp.

Theo chị, thái độ nào sẽ giúp các nhà khởi nghiệp thành công?

Tôi thấy khiêm nhường là một điều ít được nhắc đến khi nói về thái độ mà một nhà khởi nghiệp nên có. Các bạn phải lắng nghe, nghe đối tượng khách hàng của bạn muốn gì. Không thể nghĩ mình có một sản phẩm thần kỳ mà ai cũng muốn.

Tôi đã từng thấy nhiều nhà khởi nghiệp có ý tưởng hay đã bỏ rất nhiều tiền để làm sản phẩm mẫu (MVP) mà không hề thử nghiệm với thị trường dù chỉ một lần. Họ lấy tiền từ các nhà đầu tư thiên thần. Ở Mỹ chúng tôi gọi đó là món tiền ngớ ngẩn vì nó đến từ các nhà đầu tư dễ dàng đồng ý, đưa tiền nhưng không hướng dẫn, định hướng, khuyên nhủ họ. Rất dễ để tập hợp một nhóm người dễ dàng đồng ý với mình. Nhưng theo tôi, nên khiêm tốn, cởi mở, suy nghĩ sáng tạo, sẵn sàng học hỏi mới là thái độ quan trọng.

khiem nhuong bi bo quen khi noi den thai do cua nha khoi nghiep
Lucy Keoni (phải) tại Diễn đàn Khởi nghiệp Việt Nam 2016 tại TP.HCM (Nguồn: Khám phá)

Với những người khởi nghiệp, tiền đầu tư là một yếu tố vô cùng quan trọng. Chị nghĩ gì về quan điểm này?

Tôi muốn khuyên những người chuẩn bị khởi nghiệp, hoặc đang ở giai đoạn ý tưởng, trước khi nghĩ đến tiền đầu tư, thì cần phải hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh của mình. Phải kiểm tra thị trường trước xem có hợp hay không. Đừng để đến khi xin tiền của người khác rồi mới nhận thấy sản phẩm không phù hợp với thị trường.

Các bạn có thể tham gia các tổ chức dành cho những nhà khởi nghiệp, hoặc các tổ chức thúc đẩy kinh doanh để giúp mình hoàn thiện sản phẩm. Cố gắng xây dựng MVP rẻ, thử xem có hợp thị trường hay không đã rồi hãy đi tìm các quỹ đầu tư.

Hiện khởi nghiệp không còn là vấn đề mới mẻ đối với nhiều người. Không ít người đã từ bỏ con đường sự nghiệp trước đó của mình để theo đuổi hướng đi mới này. Những người từ làm thuê cũng sẵn sàng nghỉ việc và chuyển sang khởi nghiệp. Theo chị như vậy có nên hay không?

Ở Silicon, có nhiều người cho rằng nếu đam mê cái gì thì cứ nhảy vào làm luôn! Nhưng theo tôi trong lúc nuôi dưỡng ý tưởng và phát triển sản phẩm, hoàn thiện mô hình khởi nghiệp của mình, cho đến khi tìm được thị trường phù hợp thì các bạn đừng nghỉ việc. Đừng nghỉ cho đến khi cảm thấy đã có khả năng để đầu tư cho việc khởi nghiệp. Trong khi vẫn đi làm sẽ cho bạn sự an tâm về tài chính, không thấy bản thân đang gặp nguy hiểm, hoặc đặt gia đình vào tình thế nguy hiểm vì lúc đó bạn chưa kiếm ra tiền.

Cộng đồng khởi nghiệp ở Silicon và Việt Nam có mối liên kết khá chặt chẽ với nhau. Vậy làm sao cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam tận dụng được lợi thế này?

Tôi thấy đây là một thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam, vì ngày càng có nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ và bên ngoài cho khởi nghiệp. Trong năm qua, Việt Nam cũng đang trở thành một tay chơi trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong quá trình tìm cách hỗ trợ cho môi trường khởi nghiệp đang phát triển ở đây, tôi nhận ra rằng ngay trong giai đoạn đầu phát triển, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam cần có những cố vấn phù hợp, đó là điều hết sức quan trọng.

Một trong những bước đầu tôi sẽ làm là tổ chức một hội nghị ở thung lũng Silicon nhằm đưa kết nối những nhà khởi nghiệp là người nước ngoài gốc Việt và các nhà khởi nghiệp ở Việt Nam đến với nhau. Đây cũng là dịp để cộng đồng quốc tế hiểu hơn về thị trường Việt Nam. Hiện tại vẫn còn nhiều định kiến không đúng về thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam, ví dụ như là rủi ro cao, chưa có nhiều tài năng. Tôi muốn thay đổi các suy nghĩ tiêu cực này. Tôi muốn tạo cơ hội để những người tư vấn và nhà đầu tư tiềm năng hiểu được bối cảnh của Việt Nam.

Cảm ơn chị về những chia sẻ này!

Hoàng Nguyên