|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Khát' nhân lực, doanh nghiệp công nghệ xắn tay đào tạo

15:40 | 02/06/2019
Chia sẻ
Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang khổ sở vì tình trạng thiếu trầm trọng nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), buộc họ phải chủ động tham gia vào công tác đào tạo.
Khát nhân lực, doanh nghiệp công nghệ xắn tay đào tạo - Ảnh 1.

Theo tính toán, năm 2019 - 2020, thị trường Việt Nam thiếu 350.000 - 400.000 nhân lực CNTT. Thiếu trầm trọng

Thiếu trầm trọng

Kỹ sư CNTT vừa tốt nghiệp ra trường có thu nhập từ 5,6 - 11,2 triệu đồng/tháng; trưởng các bộ phận từ 22,5 - 45 triệu đồng/tháng và giám đốc ngành từ 65 triệu đồng/tháng trở lên. Khảo sát do Vietnamworks thực hiện gần đây cho thấy, chưa bao giờ ngành này “khát” nhân lực như hiện nay.

Ở thời điểm hiện tại, Vingroup vẫn đang miệt mài tìm kiếm nhân lực CNTT để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế. Vingroup đang “đặt hàng” 54  trường đại học tại Việt Nam đào tạo với cam kết sẽ tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành CNTT trong vòng 10 năm tới.

Riêng VNPT, trong lộ trình đến năm 2020 sẽ cần hàng chục ngàn nhân lực làm CNTT. Còn về tổng thể, cả nền kinh tế đến năm 2020, sẽ cần khoảng 1 triệu nhân lực làm trong ngành CNTT. Đại học Bách khoa, cái nôi đào tạo nhân lực CNTT được các doanh nghiệp “trải thảm đỏ”, nhưng mỗi năm, năng lực đào tạo cung cấp cho thị trường chỉ khoảng 500 người. “Không chỉ VNPT, FPT, Viettel, các doanh nghiệp khác thực sự đang “khát” nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao”, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT cho biết.

Năm 2018, trong 235 trường đại học trên cả nước, có 131 trường đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT với tổng số chỉ tiêu hơn 47.000 sinh viên, 213 trường cao đẳng trên cả nước có đào tạo CNTT. Hiện nay, ngành CNTT có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất trong các ngành tuyển sinh đại học.

PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhu cầu nhân lực CNTT những năm qua tăng 47%/năm, nhưng nguồn cung cấp chỉ tăng 8%/năm. Chất lượng đào tạo nhân lực CNTT cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, với tỷ lệ 72% sinh viên thiếu kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm...

Theo tính toán, năm 2019 - 2020, thị trường Việt Nam thiếu 350.000 - 400.000 nhân lực CNTT. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng sẽ tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), lưu trữ đám mây, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và blockchain. Các lĩnh vực quan trọng khác như Internet vạn vật (IoT), thương mại điện tử, quy trình kinh doanh và gia công phần mềm CNTT…

Đây thực sự là một thách thức làm đau đầu các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong thời điểm hiện tại, thời điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam đang khởi phát phong trào chuyển đổi số, dịch chuyển nền sản xuất về Việt Nam.

Doanh nghiệp xắn tay cùng đào tạo

Không thể thụ động trông chờ vào việc cung cấp nguồn nhân lực từ nhà trường, nhiều doanh nghiệp đã chủ động hợp tác với nhà trường để cùng đào tạo nhân lực CNTT.

Trong báo cáo về "Nhân lực công nghệ Việt trước làn sóng công nghệ mới: Trí tuệ nhân tạo (AI) và Blockchain", Navigos Group chỉ ra top 5 công nghệ được các ứng viên quan tâm và có dự định học hỏi trong tương lai gần, gồm: AI, blockchain, khoa học dữ liệu (data science), machine learning - deep learning và an ninh mạng.

Theo đó, VinTech City đang hợp tác với 54 trường đại học trên toàn quốc. Năm 2019, Quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech (VinTech Fund) dự kiến tài trợ 15 đề tài nghiên cứu, ứng dụng với số tiền lên tới 10 tỷ đồng/đề tài.

Theo bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng giám đốc VinTech City, việc đầu tư vào nguồn nhân lực công nghệ tại các trường đại học có thể giúp VinTech City có được nguồn nhân lực CNTT tại chỗ trong những ngành chuyên môn mới. Điều này góp phần tạo ra lợi ích không chỉ cho các hoạt động của doanh nghiệp, mà còn cho cộng đồng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.

Còn VNPT cho biết, để đáp ứng nhu cầu nhân lực, thời gian qua, VNPT đã tích cực hợp tác với nhiều trường đại học lớn như Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện công nghệ Bưu chính - Viễn thông… với các hình thức như cấp học bổng.

“VNPT cũng hợp tác với các cơ sở giáo dục về nghiên cứu và phát triển (R&D) theo cơ chế đặt hàng. Tập đoàn đã xây dựng mô hình nghiên cứu mới gọi là Open lab. Tại đây, VNPT cung cấp hạ tầng, các định hướng triển khai ứng dụng và đặt hàng, phối hợp với các trường đại học để đưa các yêu cầu cùng triển khai nghiên cứu phát triển”, ông Nghiêm Phú Hoàn, Thành viên HĐTV VNPT cho biết.

Với Viettel, tập đoàn này thực hiện việc tiếp cận, thu thập sinh viên từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, sau đó đưa các em tham gia vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp và sử dụng họ một cách sớm nhất. Hiện mỗi năm Viettel có nhu cầu tuyển dụng khoảng 500 sinh viên trong lĩnh vực CNTT.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, doanh nghiệp CNTT và nhà trường trước đây là 2 đơn vị độc lập, tách rời nhau, nhưng đã đến lúc tuy hai là một. Doanh nghiệp và các trường đại học đào tạo CNTT cần phối hợp chặt chẽ với nhau vì tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực, nên doanh nghiệp phải chủ động đầu tư vào nguồn lực tài nguyên này.

Tú Ân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.