|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Khám sức khỏe' ngân hàng trong diện tái cấu trúc năm 2017

14:30 | 16/02/2017
Chia sẻ
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại 0 đồng (CB, OCeanBank, GPBank), hoặc bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt (DongA Bank) và đẩy mạnh tái cấu trúc đến nay, hoạt động của các ngân hàng này đã có những cải thiện. Tuy nhiên, để lành mạnh hệ thống, NHNN cho rằng, cần phải tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ hơn nữa.
kham suc khoe ngan hang trong dien tai cau truc nam 2017
Sau 2 năm tái cấu trúc, các ngân hàng 0 đồng hay thuộc diện kiểm soát đặc biệt đã “thay da đổi thịt”.

Là một trong những ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vào gần cuối quý III/2015, DongA Bank cho biết, hoạt động kinh doanh hiện đang có tín hiệu hồi phục sau thời gian nỗ lực cải thiện.

Báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2016 của DongA Bank cho thấy, huy động vốn tăng 940 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2015; cho vay liên tục tăng trưởng từ tháng 8/2016 đến nay, với tổng mức 1.786 tỷ đồng.

Đề án tái cơ cấu 5 ngân hàng (bao gồm 3 ngân hàng 0 đồng, DongABank và Sacombank sau sáp nhập) đã được Bộ chính trị chấp thuận.

Đáng chú ý, tính lũy kế từ 13/8/2015 (thời điểm kiểm soát đặc biệt) đến cuối tháng 12/2016, DongA Bank đã xử lý và thu hồi được 4.192 tỷ đồng nợ xấu. Hoạt động dịch vụ có thu nhập đạt 492 tỷ đồng. Trong đó, dịch vụ chi trả kiều hối tăng mạnh, với doanh số của Công ty Kiều hối Ngân hàng Đông Á đạt gần 1,43 tỷ USD; lợi nhuận trước thuế kiều hối tăng 17,8% so với cùng kỳ 2015, đạt 15,2 tỷ đồng. Hiện chỉ số thanh khoản của DongA Bank tiếp tục đảm bảo an toàn với tỷ lệ khả năng chi trả ngay đến cuối năm 2016 là 20,1%, cao hơn mức quy định là 10%.

Còn với 3 ngân hàng 0 đồng, dưới sự hỗ trợ của các “ông lớn” như Vietcombank, Vietinbank…, hoạt động kinh doanh cũng được cải thiện rõ rệt.

Cụ thể, CB đã có những chuyển biến tích cực trên các mặt hoạt động, đặc biệt các hoạt động nghiệp vụ của một ngân hàng thương mại được triển khai đầy đủ. Nếu như trước đây, dưới mô hình cổ phần, hoạt động chủ yếu của CB là huy động vốn, đến nay, CB đã chính thức tập trung cho vay khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo lãnh ngân hàng…

Lãnh đạo CB cho biết, mục tiêu của Ngân hàng trong năm 2017 là đẩy mạnh cho vay. Theo đó, ngay từ đầu năm, CB đã đưa ra gói tín dụng 4.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân, với các gói sản phẩm phục vụ vay tiêu dùng, lãi suất chỉ từ 6,5%/năm.

Đồng thời, công tác xử lý và thu hồi nợ xấu sẽ được CB đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh. Trong năm 2016, CB đã xử lý được gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu liên quan đến các hồ sơ vay vốn của CTCP Xe khách Phương Trang. Trước đó, năm 2015, CB đã bán 500 tỷ đồng nợ cho nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC).

Với OceanBank, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017 diễn ra mới đây, lãnh đạo OceanBank cho biết, trong 2 năm 2015-2016, OceanBank liên tiếp hoạt động có lãi, góp phần khắc phục một phần lỗ lũy kế trong quá khứ. Năm 2016, dư nợ cho vay khách hàng ghi nhận sự chuyển biến tích cực của mảng cho vay khách hàng cá nhân, tăng 1.907 tỷ đồng so với năm 2015. Công tác thu hồi và xử lý nợ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu.

Theo đó, năm 2017, OceanBank đặt mục tiêu tổng tài sản tương đương năm 2016, tiền gửi khách hàng trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay 17.835 tỷ đồng; lợi nhuận tăng gấp đôi năm 2016. Trong trường hợp Đề án tái cơ cấu được Chính phủ phê duyệt, kế hoạch kinh doanh năm 2017 sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Cũng như Oceanbank, VietinBank đã hỗ trợ GPBank bằng cách cử người sang điều hành. Theo số liệu mới nhất từ GPBank, đến cuối tháng 6/2016, số dư huy động vốn của GPBank tăng 8,7% so với ngày 6/7/2015. Đặc biệt, từ tháng 4/2016, dư nợ trên toàn hệ thống đã tăng trưởng trở lại so với đầu năm.

Ngân hàng cũng xác định, công tác xử lý nợ xấu là một trong những ưu tiên hàng đầu. GPBank đang tích cực, triển khai rà soát, phân loại và đánh giá lại các khoản nợ xấu, khoản phải thu; thành lập Ban thu hồi nợ, sát sao xử lý nợ xấu và chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu…

Sau khi mua lại 0 đồng, NHNN đã giao cho các ngân hàng mà Nhà nước nắm quyền chi phối (VietinBank, Vietcombank) hỗ trợ quản trị, tái cơ cấu. Nhờ đó, từ việc âm vốn hàng nghìn tỷ đồng, các ngân hàng này sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động đã “thay da đổi thịt”.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu 3 ngân hàng 0 đồng trong năm nay. Đề án tái cơ cấu ngành giai đoạn II (2016-2020) sau khi hoàn thành sẽ được trình Chính phủ, Bộ Chính trị.

Riêng đề án tái cơ cấu 5 ngân hàng (bao gồm 3 ngân hàng 0 đồng, DongABank và Sacombank sau sáp nhập) đã được Bộ chính trị chấp thuận. Theo đó, NHNN sẽ tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, toàn diện các giải pháp tại Đề án.

Thùy Vinh