|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Khách sạn bình dân đón cơ hội từ sự bùng nổ du lịch

14:49 | 11/09/2019
Chia sẻ
Theo Savills, phân khúc khách sạn bình dân tại Việt Nam đang hoạt động rất tốt và cũng đang đứng trước cơ hội để nắm bắt lợi thế từ sự bùng nổ của du lịch trong tương lai ngắn và trung hạn.

Khách sạn bình dân phát triển mạnh, tăng tính cạnh tranh của du lịch địa phương

Trong báo cáo mới đây, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hàng đầu Đông Nam Á.

Hiện nay, trung bình có 15 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam/năm, trong khi 10 năm nước con số tương ứng chỉ 4 triệu; 80 triệu lượt khách nội địa, gấp 4 lần so với thập kỉ trước. 

Dự kiến, tổng lượt du khách sẽ tăng trưởng gần 14%/năm trong giai đoạn 2019 – 2023 và sẽ đạt khoảng 29,1 triệu khách vào năm 2023.

viber_image_2019-09-11_11-46-50

Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hàng đầu Đông Nam Á. (Ảnh: Hiếu Quân)

Theo ông Troy Griffiths, khách sạn 3 – 4  sao là phân khúc khá quen thuộc với du khách nội địa tại hầu hết các quốc gia, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các khách sạn thuộc phân khúc này ở Việt Nam nhìn chung đang hoạt động rất tốt.

Tại thời điểm này, việc kinh doanh khách sạn tại Việt Nam phần nào chịu ảnh hưởng do đây là mùa du lịch thấp điểm với khách quốc tế, tuy nhiên số lượng du khách trong nước vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

"Cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng trên cả nước nên một số thành phố nhỏ hơn của Việt Nam nay cũng có khả năng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế. Việc này làm tăng tính cạnh tranh cũng như sức chứa của du lịch địa phương", ông Troy Griffiths nói.

Lãnh đạo Savills tin rằng, phân khúc khách sạn bình dân đang đứng trước cơ hội để nắm bắt lợi thế từ sự bùng nổ của du lịch trong tương lai ngắn và trung hạn. Tuy vậy, phân khúc này cũng chịu áp lực cạnh tranh lớn bởi chi phí đầu tư thấp nên nhiều nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận.

Công nghệ thay đổi ngành khách sạn như thế nào?

Kỉ nguyên công nghệ ứng dụng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản và công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi ngành khách sạn. Trong khi AirBnB đã hoàn toàn thay đổi cuộc chơi và chiếm được thị phần, thì các nền tảng như Booking hay Agoda… đang cho phép nhiều người dùng tiếp cận với các khách sạn hơn. Dù vậy, tính chung trong lĩnh vực này có đến khoảng 80% số doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại. 

Các start-up nước ngoài khi gia nhập vào thị trường trong nước đã tạo ra tiềm năng lớn cho sở hữu trí tuệ và chuyển giao giá trị cho Việt Nam. Hiện nay, thị trường cũng đã có nhiều đơn vị cung cấp nội địa trong lĩnh vực này và tương lai con số này sẽ còn tăng lên.

0704_IMG_4205

AirBnB, Booking hay Agoda... đang cho phép nhiều người dùng tiếp cận với các khách sạn hơn. (Ảnh: Hiếu Quân)

Tiếp cận với kinh nghiệm quốc tế giúp ngành khách sạn trong nước học hỏi và tăng trưởng một cách hiệu quả. Một số start-up Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực này có thể kể đến như: Vntrip, Ivivu, Vietnambooking…

Đại diện Savills đánh giá, biên lợi nhuận vận hành đối với các khách sạn bình dân rất nhỏ nên việc tăng doanh thu thông qua hiệu quả hoạt động, công suất cho thuê rất quan trọng. Các đơn vị vận hành quốc tế và các trang đặt phòng đang mang lại lợi thế này với một nhóm khách hàng trung thành.

Những thách thức mà thương hiệu ngoại phải đối mặt khi vào Việt Nam

Theo ông Troy Griffiths, Việt Nam đang có vị thế thuận lợi và dự kiến sẽ dẫn đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về du lịch. Tuy nhiên, khi tham gia vào thị trường Việt Nam, các thương hiệu ngoại này phải đối mặt với không ít thách thức.

Nguyên nhân chính là do lượng khách du lịch tăng trưởng nhanh, bùng nổ trong thời gian gần đây chỉ tập trung vào các phân khúc giá trị thấp và kéo theo một số lượng dịch vụ kèm theo nhỏ.

Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam thông tin, du lịch Việt Nam đã thu hút thành công khách du lịch bình dân. Cấp số nhân GDP của du lịch Việt Nam là 1,6 (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới 2019) trong khi con số này tại các nước Đông Nam Á khác là 2,4 và trung bình toàn cầu là 3,3.

Để có lợi nhuận cao hơn và thu hút nguồn cầu lớn hơn với các dịch vụ kèm theo, phát triển du lịch cần được dịch chuyển lên trên chuỗi giá trị. Muốn vậy, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này cần có sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn lực và cũng cần các đối tác hợp tác có năng lực, kinh nghiệm.

Hiếu Quân