|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khách hàng chiếm dụng tiền trong sự cố giao dịch tại MB: Phải trả lãi suất 10%/năm nếu không có thoả thuận khác

11:35 | 13/01/2020
Chia sẻ
Luật sư Trần Minh Hải cho biết trong trường hợp khách hàng chiếm dụng tiền của ngân hàng mà không chịu hoàn trả, không có thoả thuận khác sẽ phải chịu lãi suất 10%/năm theo qui định của Bộ luật dân sự.

Trong tuần qua, vụ việc lỗi hệ thống xảy ra tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - Mã: MBB) đã gây xôn xao dư luận khi nhiều tài khoản có khả năng thanh toán vượt hạn mức được cấp, thậm chí có thể giao dịch đến âm cả hàng tỉ đồng. 

Phía ngân hàng cho biết đã thực hiện phong toả tài khoản thẻ của nhóm khách hàng này và yêu cầu hoàn trả các khoản đã chi tiêu vượt hạn mức theo đúng qui định pháp luật. 

Trao đổi với Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO, về vấn đề này ông cho biết vấn đề xác định lỗi phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của khách hàng.

Khách hàng chiếm dụng tiền trong sự cố giao dịch tại MB: Phải trả lãi suất 10%/năm nếu không có thoả thuận khác - Ảnh 1.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO (Ảnh: BASICO)

Ông cho biết trước tiên, trục trặc về lỗi kĩ thuật là lỗi của ngân hàng nhưng khi khách hàng biết hệ thống ngân hàng đang có lỗi và tranh thủ việc đó để rút tiền hoặc thanh toán tiền vượt hạn mức thì về nguyên tắc pháp luật thì khách hàng đang chiếm dụng tiền của ngân hàng.

Việc rút tiền ra thông thường nằm trong thoả thuận giữa ngân hàng và khách hàng nhưng khi khách hàng đã biết rõ được số dư, hạn mức của mình nhưng vẫn lấy, sử dụng tiền vượt quá hạn mức thì không khác gì việc khách hàng lấy tiền không phải của mình.

"Về góc độ cơ bản, pháp luật đòi hỏi là người đó sẽ phải hoàn trả lại trong bất luận trường hợp nào. Nếu trên góc độ lợi dụng chiếm đoạt thì sẽ nhân trách nhiệm của người chiếm đoạt tiền lên", ông Hải nói.

Tuy nhiên, trong trường hợp khách quan mà khách hàng không hề biết, không để ý đến việc tiêu vượt quá thì về nguyên tắc khách hàng vẫn phải hoàn trả lại nhưng không thể trách lỗi được khách hàng trong hoàn cảnh đó.

Đối với những trường hợp đã chiếm đoạt tiền nhưng không chịu thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì ngân hàng có quyền được kiện lên toà án để được phân định.

Ông chia sẻ thêm đối với những trường hợp "chây ỳ" thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho ngân hàng thì Bộ luật dân sự có qui định rõ trách nhiệm do chậm thanh toán nghĩa vụ phải trả tiền. 

Cụ thể, nếu như các bên không có thoả thuận, thương lượng gì cả nhưng một bên có phát sinh nghĩa vụ trả tiền cho bên kia thì họ phải trả và trong trường hợp nếu không có thoả thuận về thời hạn thì sẽ áp dụng mức lãi suất theo Khoản 2 điều 468 tương ứng với 10%/năm.

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

- Bộ Luận dân sự năm 2015 -

Diệp Bình

Nhận định thị trường chứng khoán 30/9: Kiểm tra dòng tiền hỗ trợ tại vùng 1.285 điểm
Theo dự báo của công ty chứng khoán, với tín hiệu nến thận trọng hiện tại, có khả năng diễn biến của thị trường sẽ tạm thời chậm lại và có động thái điều chỉnh trong phiên giao dịch tiếp theo để kiểm tra dòng tiền hỗ trợ tại vùng 1.285 điểm.