|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kẻ vô danh đắt giá

12:12 | 13/12/2017
Chia sẻ
Meituan Dianping của Trung Quốc gần đây đã trở thành start-up đắt giá lớn thứ 4 thế giới, được định giá ở mức 30 tỷ USD. 
meituan dianping ke vo danh dat gia

Sau thương vụ sáp nhập vào năm 2015 giữa Meituan.com và Dianping.com, doanh nghiệp sau sáp nhập đã nhanh chóng trở thành start-up dẫn đầu thị trường về các dịch vụ qua ứng dụng di động.

Vô danh nhưng đắt giá

Wang Xing thành lập Meituan.com vào năm 2010, một trang web mua theo nhóm tương tự như Groupon Inc., mà ở đó người tiêu dùng sẽ được giảm giá nếu cùng những người khác mua hàng điện tử và các món ăn nhà hàng. Trong khi đó, Dianping được thành lập vào năm 2003 ở Thượng Hải, chuyên cung cấp các nhận xét, đánh giá về nhà hàng và các cơ sở kinh doanh khác trong vùng, cũng có các hình thức giảm giá kiểu như nhóm mua. Dianping được định giá 15 tỷ USD khi Dianping và Meituan.com sáp nhập cách đây 2 năm.

Meituan có trụ sở đặt tại Bắc Kinh do Wang Xing làm CEO, gần như không được nhiều người bên ngoài Trung Quốc biết đến. Ở trong nước, Meituan phân phối đến tận nhà của khách hàng gồm các ngành hàng như: rau củ quả, vé xem phim, cung cấp các đánh giá, nhận xét về các nhà hàng cũng như các phiếu giảm giá cho những người mua theo nhóm. Có thể hình dung Meituan Dianping là một dạng kết hợp tất cả các chức năng của Groupon, Yelp, Foodpanda và Uber Eats.

Sức hấp dẫn của Meituan đối với nhà đầu tư nằm ở vị trí thống trị của nó trên một thị trường có hơn 1 tỷ dân. Meituan đã huy động được 4 tỷ USD trong vòng huy động mới nhất từ Tencent Holdings Ltd., Sequoia Capital và gã khổng lồ trong ngành du lịch Mỹ Priceline Group Inc.

“Đó gần như là thế độc quyền nhờ vào việc phục vụ “dạ dày” của 1,4 tỷ người”, Keith Pogson, thành viên điều hành tại hãng tư vấn EY ở Hồng Kông nhận định.

Cả hai công ty này gộp lại vượt xa các “đồng liêu” ở Mỹ. Chẳng hạn, Groupon (có trụ sở tại Chicago) cũng từng tạo nên cơn sốt trên thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng mức vốn hóa của công ty mua hàng theo nhóm này giờ đã giảm xuống còn chưa tới 3 tỷ USD. Yelp (có trụ sở tại San Francisco) đã sụt giảm mạnh từ mức đỉnh vào năm 2014 còn chỉ 3,6 tỷ USD vốn hóa thị trường.

Sau khi thành lập, Meituan Dianping đã bành trướng rất mạnh, vượt xa khỏi các lĩnh vực kinh doanh ban đầu. Thông qua các ứng dụng smartphone của Meituan Dianping, các khách hàng Trung Quốc có thể đặt mua các món ăn nóng hổi, hàng rau quả, thực phẩm, dịch vụ massage, cắt tóc và làm móng tại nhà hoặc tại nơi làm việc. Một dịch vụ rất phổ biến được nhiều người ưa thích là khách hàng có thể cho mang xe ô tô đi rửa trong khi họ còn đang ở văn phòng làm việc. Dịch vụ này gửi vào điện thoại của họ một bức hình để xác nhận công việc. Meituan cho biết, công ty hiện có 280 triệu khách hàng sử dụng hàng năm.

Sức mạnh từ thị trường nội địa

Các dịch vụ trên, được gọi chung là các dịch vụ O2O (online to offline) cho thấy, có thể thành công tại Trung Quốc hơn là ở Mỹ, bởi Trung Quốc có nhiều lợi thế cho thị trường O2O phát triển, chẳng hạn như chi phí lao động thấp hơn, các thành phố lại có mật độ dân cư cao hơn và số dân cũng nhiều hơn.

Thị trường O2O của Trung Quốc đã tăng trưởng 72%, đạt tới 762 tỷ nhân dân tệ (tương đương 115 tỷ USD) vào năm 2016, theo ước tính của hãng tư vấn IResearch. (Thương mại theo hình thức O2O sẽ xác định khách hàng tại một không gian trực tuyến nào đó như thông qua email, quảng cáo trên internet… sau đó sử dụng một loạt các công cụ và phương tiện để lôi kéo khách hàng rời khỏi không gian trực tuyến đó để đến với các cửa hàng thực tế thông qua các giá trị gia tăng cung cấp trên website bán hàng như coupon hay điểm tích lũy).

“Thị trường của Trung Quốc đủ lớn cho một công ty có quy mô như vậy. Sau vài năm sáp nhập, Meituan hiện là một trong số ít đối thủ hoạt động trong những lĩnh vực có doanh thu khổng lồ”, Wang Ling, chuyên gia phân tích tại IResearch, nhận định.

Dẫu vậy, Meituan đang đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các gã khổng lồ trong ngành công nghệ Trung Quốc. Đặc biệt, Alibaba Group Holding Ltd. đã hậu thuẫn cho một dịch vụ đối thủ của Meituan có tên là Ele.me (Ele.me gần đây đã mua lại bộ phận Waimai của Baidu Inc). Alibaba cũng đang tăng cường đầu tư để thâm nhập sâu vào nhiều thành phố hơn và nhiều mảng kinh doanh hơn.

“Meituan đối mặt với quá nhiều đối thủ, bởi vì nó hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh doanh. Phân khúc du lịch trực tuyến và đặt chỗ trong nhà hàng hiện đang nằm trong nhóm các lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất nước”, Cao Lei, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương mại điện tử Trung Quốc tại Hàng Châu, nhận định.

Sân chơi có tính cạnh tranh nhất hiện nay là du lịch. Với đợt huy động vốn mới đây, Meituan có kế hoạch dành ra hàng trăm triệu USD trong 3-5 năm tới để trở thành một trang web booking du lịch hàng đầu. Meituan cũng đang khai phá các cơ hội hợp tác với Priceline như một phần trong kế hoạch đầu tư này. Động thái này có thể là một mối đe dọa cho website du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc là Ctrip.com International Ltd., vốn có được sự hậu thuẫn từ Baidu.

Trong vòng huy động vốn mới nhất, Meituan cũng đã nhận được vốn từ Canada Pension Plan Investment Board, Trustbridge Partners, Tiger Global Management, Coatue Management và quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC. Meituan cho biết sẽ sử dụng số tiền huy động được để bành trướng vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ giao hàng sử dụng máy bay không người lái.

Tuy nhiên, một số người đang tỏ ra lo ngại về mức định giá cao của công ty này. Vòng huy động vốn định giá Meituan Dianping ở mức 30 tỷ USD đã giúp công ty giành được vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng toàn cầu các start-up có mức định giá từ 1 tỷ USD trở lên, theo CB Insights. Top 3 về mức định giá toàn cầu là Uber Technologies Inc., Didi và hãng sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi.

Thế nhưng, Pogson của EY đã thận trọng khuyến cáo rằng, mức định giá ở Trung Quốc có thể đang trở nên “quá khích” một chút. Cổ phiếu của những công ty tư nhân như Meituan và Uber không giao dịch mỗi ngày trên các thị trường có tính thanh khoản cao, vì thế mức định giá hiếm khi nào thay đổi và thường là có xu hướng tăng lên. Ngoài ra, nhiều đợt huy động vốn tại Trung Quốc và Mỹ có kèm “điều kiện bảo hộ”, theo đó nhà đầu tư sẽ được bồi thường nếu mức giá trị của công ty sau đó giảm xuống.