|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kẻ kiếm ngàn đô, người vỡ mộng

07:42 | 04/05/2018
Chia sẻ
Chưa bao giờ phong trào kinh doanh, khởi nghiệp trong giới trẻ rầm rộ như hiện nay. Thế nhưng, vì sao có những người làm bài bản, đầu tư nhiều lại liên tục thất bại; trong khi những người chọn kinh doanh, khởi nghiệp như nghề tay trái lại phát triển, thu nhập ngàn đô?
ke kiem ngan do nguoi vo mong
Phan Ngọc Sang kiếm 30 triệu đồng/tháng từ nghề face-up búp bê. Ảnh: U.P

“Độc lạ” kiếm bộn tiền

Phan Ngọc Sang (26 tuổi), sinh viên năm cuối ĐH Kiến trúc TP HCM mỗi tháng kiếm được từ 20-30 triệu đồng từ nghề không giống ai. Đó là nghề face-up (trang điểm) cho búp bê. Từ những con búp bê được sản xuất hàng loạt với mắt, mũi, miệng vô hồn, Sang đã “phù phép” cho chúng gương mặt sống động và các bộ cánh lung linh với nhiều phong cách khác nhau, rất thu hút các em nhỏ.

Biến những hòn đá, viên sỏi vô tri thành tác phẩm nghệ thuật là “nghề” mà Nguyễn Thị Minh Hiếu và Nguyễn Thị Linh Quyên - cô chủ “thư viện” Sorella Corner (212B/D2 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP HCM) theo đuổi thời gian gần đây. Cô gái 9X đã “mặc áo” cho sỏi đá bằng cách tô vẽ, đồng thời sắp đặt thành những bức tranh hết sức độc đáo. Quy trình khá đơn giản, đá cuội được nhặt về, dùng bàn chải chà nhẹ rồi rửa sạch, phơi khô. Sau đó dùng cọ hoặc bút dạ và màu acrylic trang trí. Những hòn đá cuội sau khi được tô vẽ sẽ mang các hình dạng khác nhau. Có khi đó là một chú mèo, có viên lại mang hình chú chó hay con ốc tinh nghịch…

Ở TP HCM, khi nhắc đến custom giày (độ giày), không thể bỏ qua cái tên Quách Sở Kiệt, thường gọi là Kiệt Quách.Chàng trai 26 tuổi này là chủ thương hiệu KQ CUSTOMS, sở hữu 2 shop giày và 3 xưởng độ đang dần chinh phục giới trẻ qua từng thiết kế độc, lạ của mình. Khách hàng đa phần là giới trẻ sành giày, chịu chơi, bởi giá độ giày có khi cao hơn giá của đôi giày đó. “Một đôi giày giá tầm chục triệu đồng, nhưng có khách hàng thay chất liệu giày hoàn toàn bằng vải từ một chiếc quần Louis Vuitton. Như thế đôi giày chi phí lên tới hơn trăm triệu đồng”, Kiệt cho biết.

Không làm theo phong trào

Vì quá mê làm trái cây sạch, chị Hoàng Thị Mơ (34 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP HCM) đã bỏ công việc kế toán một công ty nước ngoài để khởi nghiệp. Mặc dù gia đình khuyên ngăn, chị Mơ vẫn dồn tiền bạc, công sức vào việc thuê mặt bằng, mướn nhân công, dành thời gian đi tìm nguồn hàng ổn định, tìm khách hàng… Mới đây, gặp lại, tôi khá bất ngờ khi chị cho biết mình vừa nộp hồ sơ xin làm kế toán cho một công ty. “Một năm qua, mình thấm thía cái cảm giác lo lắng khi hàng nhiều mà không ai mua, mối lái giao hàng kém chất lượng, khách hàng than phiền… Bao nhiêu thứ đổ ập xuống khiến mình không chống đỡ nổi. Lúc đầu thấy thành công lắm mà giờ tuột dốc không phanh. Sau khởi nghiệp, cái mình “được” là 1 số nợ lớn mà đến giờ vẫn chưa trả được”, chị Mơ nói.

“Đi chợ thuê” cũng là mô hình mà Đặng Trần Anh, Giám đốc Công ty Đi chợ thuê 24/7 ấp ủ từ rất lâu. Sau khi thử nghiệm với bạn bè, người thân và nhận được những phản hồi tích cực, anh quyết tâm đầu tư bài bản. Trần Anh kỳ vọng sẽ có một số lượng lớn khách hàng là chị em làm văn phòng. Chỉ cần đặt món hoặc thực phẩm tươi sống, Trần Anh sẽ giao hàng tận nơi. Tuy nhiên, chưa đầy nửa năm, dự án của chàng giám đốc trẻ phá sản. “Chỉ cần một phút chậm trễ, khách hàng nổi đóa “còm” một câu chê bai dịch vụ là khách hàng mất dần, cuối cùng dự án “đi tong”. Internet là con dao 2 lưỡi, nó có thể kết nối khách hàng nhưng cũng là phương tiện để ai cũng có thể than phiền, thậm chí là cơ hội cho đối thủ cạnh tranh tổ chức “ném đá” tập thể khiến mình dễ dàng sập tiệm”, Trần Anh chia sẻ.

Chia sẻ về khởi nghiệp trong giới trẻ, CEO Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit cho rằng, điều kiện tiên quyết khi bạn trẻ dấn thân vào con đường khởi nghiệp là phải có bản lĩnh, quyết liệt và khát khao chứ không phải khởi nghiệp theo phong trào, thích thì làm. Theo ông Viên, khởi nghiệp không nhất thiết phụ thuộc vào yếu tố sản phẩm, mà quan trọng hơn là sự kết nối, kết nối càng sâu rộng càng dễ thành công. Sau đó mới là sản phẩm có sự đột phá, định hướng sản phẩm “đi tắt đón đầu”.

“Trường hợp startup không có cả 2 yếu tố trên thì nên trở lại làm công để tích lũy kinh nghiệm rồi mới tính đến khởi nghiệp. Với người trẻ muốn khởi nghiệp thành công mà không có vốn mạnh thì phải liên kết chuỗi, bởi không ai có thể suôn sẻ ngay từ đầu được”, ông Viên chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích lý do vì sao 10 người khởi nghiệp thì 9 người thất bại? “Theo tôi, vấn đề ý tưởng, sản phẩm độc đáo đưa ra thị trường dễ có sức hút hơn với những mặt hàng quen thuộc, người tiêu dùng đã biết đến. Đó là lý do vì sao startup đi sau càng khó thành công hơn những người đi trước. Ngoài ra, năng lực tài chính cũng là nguyên nhân khiến các startup gặp nhiều khó khăn. Nhiều người sau khi có sản phẩm thì mới đi tìm nguồn vốn, thậm chí cả tín dụng đen khiến doanh nghiệp dễ chết yểu trong thời đầu”, ông Hiếu phân tích.

Sáng tạo và khác biệt mới gọi là khởi nghiệp

Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Food chia sẻ: “Là một thành viên trong Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia khu vực phía Nam và từng ngồi ghế giám khảo một số cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên, tôi thấy không ít bạn trẻ còn khá lơ mơ về khởi nghiêp, cứ tưởng rằng có chút vốn liếng và ý tưởng là bắt đầu được. Nhưng thật sự khởi nghiệp phải đi đôi với sáng tạo, công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật... Đặc tính cơ bản của khởi nghiệp là tính đột phá nhằm tạo ra một điều gì đấy chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn thì mới mong làm giàu cho đất nước, cho bản thân; còn nếu khởi nghiệp theo kiểu “con trâu cái cày, buôn gánh bán bưng” hoặc sao chép thì thất bại chỉ là chuyện sớm hay muộn”.

Uyên Phương

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.