Kế hoạch giảm thuế của ông Trump đe dọa xếp hạng tín nhiệm của Mỹ
|
Ngày 12/1, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo các kế hoạch cắt giảm thuế của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể đe dọa đến chỉ số tín nhiệm của nền kinh tế số 1 thế giới này trong trung hạn.
Phát biểu trong cuộc họp báo về triển vọng tín nhiệm hàng năm của Fitch tổ chức tại London (Anh), ông Ed Parker, Giám đốc bộ phận xếp hạng tín nhiệm khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Fitch, cho biết tổ chức này đã lượng trước được những áp lực trong trung hạn ngày càng gia tăng đối với xếp hạng tín nhiệm của Mỹ vốn đang ở mức xếp hạng cao nhất AAA.
Theo ông Parker, thậm chí trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11 năm ngoái tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ghi nhận mức nợ chính phủ cao nhất trong số các quốc gia được xếp hạng AAA. Ông Parker dự báo nếu kế hoạch cắt giảm 6.200 tỷ USD thuế của ông Trump trong 10 năm tới được triển khai, điều này có thể khiến nợ công của Mỹ tăng thêm khoảng 33%.
Tuy nhiên, ông Parker cũng cho rằng trong ngắn hạn, những chính sách của ông Trump sẽ không đặt ra nguy cơ đối với chỉ số tín nhiệm của Mỹ bởi nền kinh tế số 1 thế giới vẫn tiếp tục hưởng lợi từ sự mạnh lên của đồng USD. Dự kiến, ông Trump sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1 tới.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định những cam kết thay đổi chính sách của doanh nhân - chính khách 70 tuổi này đã làm dấy lên những quan ngại về nền kinh tế, trong đó có chính sách cắt giảm thuế, bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc ý tế giá rẻ (Obamacare) do Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama khởi xướng, cũng như cảnh báo đánh thuế nhằm các công ty đưa việc làm ra nước ngoài.
Bên cạnh Mỹ, một số quốc gia khác trên thế giới cũng nằm trong khả năng bị hạ xếp hạng tín nhiệm mà Fitch đang cân nhắc trong năm 2017. Tại các nước đang phát triển, Fitch dự kiến sẽ cân nhắc hạ xếp hạng tín nhiệm đối với Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ, hai quốc gia đang có nguy cơ bị rớt hạng từ mức BBB- xuống ngưỡng "rác" (junk) do triển vọng tiêu cực.
Theo ông Parker, các nền kinh tế mới nổi là những quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương do việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản, khiến giới đầu tư không còn mặn mà. Ngoài ra, đồng USD mạnh lên cũng đặt gánh nặng lên các thị trường mới nổi trong việc trả lãi các khoản nợ nước ngoài.