|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

KCN Đại An mở rộng giai đoạn 2 dự kiến khởi công vào quý II

04:00 | 09/01/2023
Chia sẻ
KCN Đại An mở rộng - giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, trong đó chi phí mặt bằng là 863 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án cho biết, đến nay đã chi hơn 331 tỷ đồng thực hiện 11 đợt đền bù mặt bằng, khối lượng tương ứng 70%.

Công ty TNHH MTV Phát triển Hạ tầng KCN Đại An vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đại An mở rộng. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Thủ Đô Xanh.

Dự án này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 7/2006 với diện tích 470 ha. Vào năm 2016, dự án được điều chỉnh quy hoạch, quy mô diện tích sau khi điều chỉnh là hơn 416 ha.

KCN Đại An mở rộng gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có quy mô 189 ha ha và giai đoạn 2 là 227 ha. Hiện nay, giai đoạn 1 của dự án nằm tại thị trấn Lai Cách, các xã Cẩm Đông, Cẩm Đoài (huyện Cẩm Giàng) và phường Tứ Minh (TP Hải Dương), đã có một số doanh nghiệp đi vào hoạt động/chuẩn bị đi vào hoạt động.

Hơn 800 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng giai đoạn 2

Tổng mặt bằng KCN Đại An mở rộng giai đoạn 2. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Phần diện tích giai đoạn 2 thuộc xã Cẩm Đông Cẩm Đoài (huyện Cẩm Giàng). Phía bắc tiếp giáp tuyến đường 33m; phía nam giáp khu dân cư và đất nông nghiệp xã Cẩm Đông, Cẩm Đoài; phía đông giáp sông Sặt và khu dân cư Kim Xá; phía tây giáp kênh Đò Cậy.

Về hiện trạng sử dụng đất giai đoạn 2, đất lúa chiếm gần 179 ha, đất nghĩa trang hơn 3 ha, đất ao hồ kênh mương gần 43 ha và đất giao thông hơn 2,5 ha. Khu đất dự án giai đoạn 2 hiện đã được chủ đầu tư đền bù giải phóng mặt bằng được khoảng 70%.

Cụ thể, đến nay chủ đầu tư đã thực hiện 11 đợt đề bù cho người dân các xã Cẩm Đoài và xã Cẩm Đông. Tổng kinh phí đã đền bù là hơn 331 tỷ đồng.

Khu đất dự án chủ yếu là đất ruộng, giáp ranh giới phía đông nam là sông Sặt, là con sông có vai trò quan trọng nhất trong hệ thống đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải, làm nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Tứ Kỳ và TP Hải Dương. Sông còn có nhiệm vụ tiêu thoát úng cho phần lớn diện tích của các huyện, thành phố mà nó chảy qua.

Phía nam dự án giáp kênh Kim Sơn (sông Sặt). Trong phạm vi ranh giới dự án không có dân cư sinh sống lâu năm, không có công trình xây dựng. Khu vực phía đông nam có một số công trình nhà tạm và ao hồ nuôi trồng thủy sản.

Giao thông đối ngoại của dự án hiện nay là tuyến đường 33 m ở phía bắc, kết nối với KCN giai đọan 1 ra đường Quốc lộ 5; phía đông nam là cầu qua sông Sặt kết nối với tuyến đường vành đai 1 đang xây dựng; phía tây là đường ĐT194A. Nội bộ dự án có một số tuyến đường liên xã và hệ thống giao thông nội đồng.

Về thoát nước, dự án có hướng dốc nền từ bắc xuống nam, các tuyến mương tưới tiêu thủy lợi nối ra sông Sặt ở phía đông nam và kênh Đò Cậy ở phía tây, thuận tiện cho việc tiêu thoát nước của khu vực. KCN Đại An mở rộng giai đoạn 2 sử dụng chung nguồn nước và nguồn điện với giai đoạn 1 hiện có.

Trong cơ cấu sử dụng đất của giai đoạn 2, đất nhà máy, xí nghiệp sẽ chiếm hơn 167 ha; đất hành chính, dịch vụ hơn 3 ha; đất giao thông gần 25 ha; còn lại là đất cây xanh, hạ tầng và nghĩa trang hiện hữu.

Khu chức năng hành chính, dịch vụ được quy hoạch tại vị trí tiếp giáp tây bắc trục đường 33m ra đường 194A. Các lô đất này sẽ cho khách hàng thuê để xây dựng các khối nhà dịch vụ phục vụ cho các hoạt động dự án.

Đối với khu nhà máy, xí nghiệp, sẽ bố trí tập trung thành các nhóm nhà máy công nghiệp có quy mô linh động đáp ứng cho mọi nhu cầu đầu tư. Các nhóm nhà máy công nghiệp ít ảnh hưởng đến môi trường sẽ được bố trí đầu hướng gió gần với khu dân cư, các nhà máy công nghiệp nhiều ảnh hưởng đến môi trường xung quanh sẽ bố trí cuối hướng gió và tại các khu vực xa khu dân cư.

Trong quá trình hoạt động sau này tuỳ theo nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp, quy mô của mỗi lô có thể thay đổi song sẽ  đảm bảo việc kết nối hợp lý thuận tiện với hệ thống kỹ thuật của toàn khu. Khu vực KCN giáp khu dân cư, sẽ quy hoạch bố trí các nhà máy ít gây ô nghiễm, khoảng cách ly đảm bảo tối thiểu 50 m.

Các lô đất trong dự án có thể phân chia hoặc kết hợp với diện tích 2 - 4 ha. Việc chọn diện tích các lô đất đa dạng đảm bảo khả năng kết hợp, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu diện tích thuê đất khác nhau từ 1 ha đến diện tích lớn là 20 ha/nhà máy. Trường hợp đặc biệt có thể lớn hơn tùy theo nhu cầu của nhà đầu tư.

Hệ thống thoát nước mưa của giai đoạn 2 được thiết kế độc lập với hệ thống thoát nước thải. Hệ thống thoát nước mưa được thiết kế theo hình thức phân chia lưu vực, tận dụng các hướng thoát nước của địa hình thoát ra sông Sặt và kênh Đò Cậy, đảm bảo thoát nước tự chảy dễ dàng, không gây ứ đọng, úng ngập cục bộ.

Toàn bộ nước thải trong giai đoạn 2 sẽ được thu gom về các trạm bơm chuyển, sau đó bơm về vị trí hố thu trung chuyển nước thải, chảy theo đường ống về Trạm xử lý nước thải của giai đoạn 1.

Về tiến độ, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm. Từ quý II/2023 sẽ triển khai thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật. Từ quý III/2025 sẽ thu hút các nhà đầu tư vào dự án.

Tổng mức đầu tư của giai đoạn 2 là 2.919,5 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là gần 863 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 1.436 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 433 tỷ đồng... Về nguồn vốn, vốn tự huy động của chủ đầu tư chiếm 15%; vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân là 30% và vốn vay tín dụng là 55%.

KCN Đại An mở rộng giai đoạn 1 đã có một số doanh nghiệp đi vào hoạt động. (Ảnh: Đại An).

Dự án của doanh nhân Trương Tú Phương

Về chủ đầu tư dự án, Công ty TNHH MTV Phát triển Hạ tầng KCN Đại An được thành lập vào tháng 5/2007, hiện có trụ sở tại TP Hải Dương. Người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch của doanh nghiệp là bà Trương Tú Phương.

Hạ tầng KCN Đại An là một trong số các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái do bà Trương Tú Phương sáng lập, trong đó hạt nhân chính là CTCP Đại An. Đại An ra đời từ năm 2001 với vốn điều lệ 3,5 tỷ đồng. Đến tháng 8/2020, vốn điều lệ của Đại An tăng lên 678 tỷ đồng.

Đại An được biết đến là chủ đầu tư của KCN Đại An - một trong những KCN đầu tiên tại Hải Dương, được thành lập từ năm 2003, tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD. Tính đến tháng 10/2019, KCN này đã thu hút được 93 dự án, trong đó 87 dự án đã đi vào hoạt động.

Đại An cũng đang đồng thời sở hữu các KCN khác trên trục quốc lộ 5 là KCN Lai Cách (134,55 ha) tại Hải Dương, KCN Minh Đức (198 ha) tại Hưng Yên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đầu tư vào mảng bất động sản dân dụng, với Khu dân cư Đại An I (18,22 ha) và II (37,76 ha), Cao ốc Đại An (TP HCM), Iris Hotel (TP HCM).

Hồi cuối năm 2021, đầu năm 2022, công ty con của Đại An là CTCP Tập đoàn Phát triển Khu công nghiệp – Đô thị Đại An đã ký biên bản thỏa thuận với Công ty Sri Avantika Contractors Ltd., (Ấn Độ) để hợp tác triển khai hạ tầng dự án Công viên dược phẩm tại Việt Nam (bao gồm dự án KCN công nghệ cao) tại Hải Dương.

Dự án sẽ sử dụng khoảng 900 ha đất tại 2 huyện Bình Giang và Thanh Miện, vị trí đề xuất xây dựng tốt nhất nằm trong Khu kinh tế chuyên biệt hơn 10.000 ha. Đáng chú ý, giá trị kinh phí đầu tư dự án từ 10 đến 12 tỷ USD.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho biết sẽ giải phóng, bàn giao mặt bằng sạch cho đối tác theo hai đợt, đợt 1 hơn 400 ha thuộc huyện Bình Giang, đợt 2 hơn 500 ha thuộc huyện Thanh Miện.

Hoàng Huy