|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

JP Morgan: Mức định giá cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây

11:19 | 22/11/2022
Chia sẻ
Ảnh hưởng từ thanh khoản trên thị trường đang tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu ngân hàng. P/B cổ phiếu nhóm ngành này đang ở vùng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Trong báo cáo phân tích mới đây về các cổ phiếu ngành ngân hàng, JP Morgan cho biết cổ phiếu lĩnh vực này đang chứng kiến sự suy yếu trên diện rộng khi chất lượng tài sản chịu tác động từ sự sụt giảm của thị trường bất động sản. Thị giá các cổ phiếu đã giảm 6 - 42% trong 3 tháng vừa qua.

Theo ước tính của JP Morgan, định giá các cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và giá cổ phiếu sẽ tiếp tục biến động theo dòng tin tức và sự phát triển về chất lượng tài sản trong ngắn hạn.

ACB và TCB là hai cổ phiếu được đánh giá triển vọng cao nhất trong nhóm theo dõi (gồm VCB, TCB, VPB, ACB). ACB là ngân hàng có rủi ro đầu tư bất động sản thấp nhất còn Techcombank là nơi rủi ro được chiết khấu phần lớn khi giá cổ phiếu giảm.

 

Nhận định về các rủi ro từ thị trường bất động sản, JP Morgan cho rằng room tín dụng hạn chế và sự giám sát của cơ quan quản lý đã dẫn đến những khó khăn về thanh khoản của các công ty bất động sản tại Việt Nam.

JP Morgan ước tính khoảng 7% tín dụng dành cho kinh doanh bất động sản và 8% cho vay xây dựng và 14 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn vào cuối năm 2024.

Trong danh sách cổ phiếu ngân hàng mà JP Morgan theo dõi, Techcombank và VPBank có tỷ trọng đầu tư bất động sản và xây dựng lớn nhất với tỷ lệ tương ứng là 31% và 21% trong khi ở Vietcombank hay ACB, tỷ trọng này thấp hơn chỉ ở mức 13% và 6%.

Do đó, theo các chuyên gia cũng nhận thấy rủi ro về nợ xấu và chi phí tín dụng cao hơn tại VPBank và Techcombank. Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng hai ngân hàng có xu hướng cho vay với các nhà phát triển bất động sản lớn và các khoản vay thường được thế chấp, điều này giúp hạn chế rủi ro về nợ xấu.

 

Trong bối cảnh thanh khoản bị thắt chặt, một phần do quan điểm của NHNN trong việc quản lý rủi ro từ bên ngoài, các chuyên gia của JP Morgan kỳ vọng chi phí vốn của các ngân hàng sẽ tăng mạnh trong 12 tháng tới, từ đó dẫn đến việc giảm biên lãi ròng (NIM).

Tỷ lệ LDR (Dư nợ tín dụng/Vốn huy động) đã tăng lên 102% vào tháng 8 từ mức 95% vào cuối năm. Điều này một phần là do quan điểm thắt chặt của NHNN, bao gồm cả việc sử dụng một phần dự trữ ngoại hối để hỗ trợ tiền tệ và mua tín phiếu. 

 

Huyền Phương