|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Jack Ma: 'Gã điên' không bao giờ biết lùi bước

10:10 | 06/11/2017
Chia sẻ
Gã đàn ông nhỏ thó, học kém toán đến nỗi trượt đại học 2 lần, không xin nổi chân quản lý tại cửa hàng KFC, bị từ chối hơn 30 lần khi khởi nghiệp nay là người giàu nhất Trung Quốc.

Nếu được hỏi doanh nhân Trung Quốc nào nổi tiếng nhất thế giới, gần như chắc chắn câu trả lời sẽ Jack Ma, một gã còi cọc không bao giờ bỏ cuộc.

“Tôi không biết định nghĩa thành công ra sao, nhưng biết rõ thế nào là thất bại, đó chính là bỏ cuộc”, Jack Ma từng nói.

Những khó khăn, gian nan ngày trẻ đã không quật ngã được Jack Ma. Nhiều người cho rằng khối tài sản 40 tỷ USD đến với doanh nhân họ Mã như một phép màu. Tuy nhiên chắc chắn phép màu ấy sẽ không đến với Jack Ma nếu ông bỏ cuộc khi gặp gian nan.

Lack Ma sinh ngày 15/10/1964 tại Hàng Châu (Trung Quốc), tên khai sinh là Mã Vân. Ông có một anh trai và một em gái. Khi Mã Vân còn nhỏ, gia đình ông, cũng như bao gia đình Trung Quốc khác, sống trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn.

Thời đi học, cậu bé họ Mã rất còi cọc, tướng mạo xấu xí, học dốt môn toán nhưng đánh nhau rất giỏi. Nói về giai đoạn này trong cuốn “Alibaba”, Jack Ma cho hay: “Tôi chưa từng sợ đối thủ nào dù chúng cao, lớn hơn tôi”.

Cũng như bạn bè đồng trang lứa, Jack Ma có sở thích là bắt và sưu tầm dế chọi. Ông chơi dế giỏi tới nỗi chỉ cần nghe tiếng dế có thể đoán loại dế, kích cỡ.

Năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến thăm Hàng Châu. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa rất lớn với thành phố này. Du lịch Hàng Châu bùng nổ, khách nước ngoài biết đến Hàng Châu nhiều hơn và các khách sạn mọc lên như nấm.

Vốn rất có hứng thú với tiếng Anh, cậu bé Mã Vân, khi đó mới 13 tuổi, đã tìm đến khách sạn lớn nhất thành phố, tìm gặp khách du lịch nước ngoài và đề nghị làm hướng dẫn viên miễn phí để đổi lấy cơ hội học tiếng Anh.

Trong một lần dẫn đoàn khách người Australia, một người trong đoàn đã gọi Mã Vân là Jack, để tiện xưng hô do tên Trung Quốc của cậu khó đọc. Cái tên Jack Ma cũng bắt nguồn từ đây.

jack ma ga dien khong bao gio biet lui buoc
Đồ họa: Zing

Trong một xã hội mà tiền và quan hệ quyết định tất cả, Jack Ma hiểu chỉ có giáo dục mới giúp ông tiến lên. Ông thi trượt đại học tới hai lần nhưng không bỏ cuộc và cuối cùng đỗ vào Học viện sư phạm Hàng Châu trong lần thi thứ 3 năm 1984 và tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ Anh năm 1988.

Chàng thanh niên còi cọc với tấm bằng đại học hăm hở đi tìm cho mình công việc đầu tiên. Anh nộp hồ sơ vào tất cả vị trí có thể. Tuy nhiên không ai muốn nhận Jack Ma. Jack bị từ chối bởi khoảng hơn chục doanh nghiệp, trong đó có cả KFC, khi muốn ứng tuyển vào vị trí quản lý nhà hàng gà rán.

Quyết định đi theo đam mê là tiếng Anh, Jack nhận làm bán thời gian tại một đại học địa phương, trở thành giáo viên tiếng Anh với thu nhập 12 USD một tháng. Dù thu nhập thấp nhưng Jack Ma rất yêu công việc và bằng một cách rất tự nhiên, sinh viên cũng rất yêu thích những giờ dạy của thầy Mã.

Năm 1995, Jack Ma chính thức khởi nghiệp với Công ty Dịch thuật Hải Bác. Công việc này đã mang đến cho ông cơ hội đi Mỹ công tác, và đây là chuyến đi đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của ông.

Chuyến đi bước ngoặt và Internet

Ông chủ Alibaba thuật lại chi tiết chuyến đi Mỹ trong cuốn “Mã Vân - triết lý sống của tôi”. Theo cuốn tự truyện, chính quyền thành phố Hàng Châu quyết định cử người sang Mỹ để liên hệ với một đối tác tại đây và Jack Ma là người được chọn mang trọng trách này.

Mã Vân kể lại đây là chuyến đi đầy biến cố mà suýt nữa đã khiến ông “một đi không trở về”. Doanh nghiệp Mỹ mà ông làm việc cùng là một công ty chuyên lừa đảo, mang hơi hướng xã hội đen. Để toàn mạng trở về, ông phải vờ đồng ý hợp tác và bày tỏ muốn trở về Trung Quốc để phát triển ngành Internet tại nước này, dù khi đó Mã Vân còn không biết Internet là gì.

Vét hết số tiền còn lại trong người, anh chàng họ Mã ra sân bay định trở về Trung Quốc. Tuy nhiên, anh không cam tâm trở về tay trắng. anh muốn biết Internet là gì, liệu Internet có thể giúp được gì cho anh và cho Hàng Châu. Thay vì đặt vé về, Jack Ma đặt vé đi Seattle để tìm hiểu.

Tới Seattle, Jack Ma gặp gỡ nhiều chuyên gia về máy tính và lần đầu được tiếp cận với Internet.

Jack kể lại: “Họ bảo tôi hãy tìm kiếm một thứ gì đó và Internet sẽ cho tôi kết quả, tôi đã nhập từ ‘bia’ để tìm kiếm”. Jack Ma ngạc nhiên khi chỉ trong chốc lát, vô vàn kết quả tìm kiếm về bia hiện ra trước mắt ông. Vô cùng thích thú trước thứ công nghệ mới kỳ lạ nhưng Jack Ma ngay lập tức thấy chạnh lòng, ông không nhìn thấy bất kỳ một loại bia Trung Quốc nào xuất hiện trên Internet.

Đó cũng là thời khắc mà Jack Ma tự nhủ, ông sẽ về Trung Quốc để tạo ra một công ty Internet cho Trung Quốc.

Ngay sau khi về Hàng Châu, việc đầu tiên Jack Ma làm là mở công ty China Pages, chuyên về dịch vụ trên Internet. Tuy nhiên, Jack Ma đã đi quá sớm, giữa thời điểm mà máy tính còn là thứ kém phổ biến trong các hộ gia đình Trung Quốc. China Pages thất bại, điều này gần như có thể đoán trước, và được China Telecom mua lại.

Không bỏ cuộc, Jack Ma vẫn cương quyết rằng Internet chính là tương lai. Năm 1999, trong một căn phòng nhỏ, Jack Ma tập hợp 17 người bạn thân của mình và thuyết phục họ đầu tư vào công ty Internet mới của ông mang tên Alibaba.

Jack giải thích cho nhóm bạn về ý tưởng táo bạo của mình, đó là một khu chợ ảo, chợ trên Internet, nơi người mua và người bán đến với nhau thông qua mạng toàn cầu. Đây là ý tưởng quá táo bạo, chưa từng có tại Trung Quốc.

Ý tưởng của Jack Ma không chỉ thuyết phục được 17 người bạn. Tới tháng 10/1999, Alibaba nhận 5 triệu USD từ Goldman Sachs của Mỹ và 20 triệu USD từ Softbank của Nhật Bản. Chủ tịch của Softbank, ông Masayoshi Son, gần đây đã chia sẻ về khoản đầu tư năm 1999 mà nhiều người khi đó cho là điên rồ.

Ông Son cho hay: “Tôi cũng cho rằng đây là ý tưởng quá táo bạo, nhưng tôi vẫn đầu tư vì tôi tin Jack Ma. Khi gặp anh ta, tôi ấn tượng với ánh mắt sáng, đầy quyết tâm, nhiệt huyết, tôi tin đây là con người sẽ thành công”.

Chủ tịch của Softbank cũng thừa nhận đầu tư vào Alibaba năm 1999 là một trong những khoản đầu tư thành công nhất trong đời ông.

Năm 2005, Yahoo! cũng đầu tư vào Alibaba, số tiền lên tới 1 tỷ USD và tới thời điểm Alibaba lên sàn tại Mỹ, 1 tỷ USD đầu tư khi đó đã trở thành 10 tỷ USD.

Trong cuộc trò chuyện với Bloomberg, Jack Ma chia sẻ: “Tôi biết Alibaba đã thành công khi một đối tác muốn trả tiền ăn trưa cho tôi. Ông ấy nói: Tôi là đối tác của Alibaba, tôi kiếm được rất nhiều tiền và tôi biết ông nhận lương rất thấp nên tôi muốn trả bữa này cho ông’”.

Phát biểu trong buổi lễ lên sàn chứng khoán New York năm 2014, Jack Ma cho hay: “Ngày hôm nay những gì chúng tôi thu về không phải là tiền. Thứ chúng tôi thu về chính là niềm tin của mọi người”.

Đợt “lên sàn” năm 2014 đã mang về cho Alibaba 150 tỷ USD, kỷ lục mới của sàn chứng khoán New York khi đó và đưa Jack Ma lên vị trí người giàu nhất Trung Quốc.

Tại tiệc ăn mừng, Jack Ma nói với toàn bộ nhân viên Alibaba về việc lượng tiền khổng lồ đổ vào công ty sẽ biến Alibaba “trở thành một tập thể những người chân chính, một tập thể có thể giúp đỡ lẫn nhau và chúng ta sẽ là những người lương thiện, hạnh phúc”.

jack ma ga dien khong bao gio biet lui buoc
Tăng trưởng tài sản của Jack Ma. Đồ họa: Zing

Alibaba - Một hiện tượng trở thành "gã khổng lồ"

Nhắc đến Alibaba, người ta nhắc đến lĩnh vực thương mại điện tử, nổi tiếng nhất nằm ở hai mảng cung cấp dịch vụ thương mại B2B (giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp) và C2C (giữa khách hàng và khách hàng).

Từ năm 2010, tập đoàn Alibaba bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh ra toàn cầu, bằng việc cho phép các doanh nghiệp nước ngoài có thể khai thác và sử dụng dịch vụ của tập đoàn như doanh nghiệp Trung Quốc. Cụ thể, website tiếng Anh alibaba.com ra đời, chuyên về dịch vụ thương mại B2B nhắm vào các khách hàng mua quốc tế muốn giao thương với những khách bán Trung Quốc.

Alibaba.com là một website dạng định hướng tìm kiếm như Google nhưng chuyên về mua bán xuất nhập khẩu, tức là nếu cần nhập bất kỳ sản phẩm nào, chỉ cần dùng từ khóa vào mục tìm kiếm trên trang thì người dùng sẽ có được những thông tin chuyên ngành về sản phẩm và nhà cung cấp. Trong khi đó trang taobao.com với giao diện hoàn toàn bằng tiếng Trung lại phục vụ mảng kinh doanh C2C.

jack ma ga dien khong bao gio biet lui buoc
Đồ họa: Zing

Khi lĩnh vực thương mại điện tử ở Trung Quốc vẫn còn nằm trong giai đoạn thai nghén, eBay đã trở thành một trong những công ty gia nhập thị trường này sớm nhất. Nó vận hành dựa trên một nền tảng trực tuyến dành cho người tiêu dùng gọi là EachNet và tính phí cho người dùng sau mỗi giao dịch.

Vào thời điểm đó, Alibaba vẫn tập trung vào việc giúp đỡ các công ty nhỏ và vừa ở Trung Quốc làm ăn trực tuyến. Jack Ma bỗng nhận ra "sớm hay muộn gì eBay cũng trở nên lớn mạnh tại Trung Quốc và sẽ thu hút các khách hàng của Alibaba".

Để chống lại mối hiểm họa tiềm ẩn từ eBay, Jack Ma đã tập hợp một nhóm nhỏ các nhân viên của Alibaba và gửi họ đến làm việc trong một dự án bí mật: xây dựng một thị trường trực tuyến đủ sức cạnh tranh với những gì eBay cung cấp và đó là cách Alibaba xây dựng Taobao nổi tiếng hiện nay.

Erisman, Phó chủ tịch của Alibaba, cho biết Taobao hoạt động miễn phí trong 3 năm đầu tiên và nó gây áp lực với mô hình trả phí cho mỗi giao dịch của eBay. Phản ứng của eBay đưa ra một thông cáo báo chí rằng: "Miễn phí không phải một mô hình kinh doanh".

Tuy nhiên, rất nhiều người mua và bán bắt đầu chuyển sang Taobao. Sau 3 năm hoạt động miễn phí, Alibaba đã có thể kiếm được bộn tiền từ Taobao. Trong hơn 2 thập kỷ, từ một công ty nhỏ tại Hàng Châu, giờ đây Alibaba đã trở thành một trong những trụ cột của thế giới công nghệ cao với số vốn hóa thị trường lên đến 473 tỷ USD.

Và nếu cần một tấm gương về việc không bao giờ bỏ cuộc, câu chuyện của người đàn ông nhỏ thó, tướng mạo xấu xí, xuất thân bần hàn, liên tục thất bại mang tên Mã Vân sẽ còn được nhắc tới.

Ông chủ Alibaba, tỷ phú Jack Ma đã đến Hà Nội vào tối 4/11 để tham dự một loạt các hoạt động liên quan đến thanh toán điện tử. Ông cũng tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng từ ngày 7/11. Dự kiến ngày hôm nay (6/11), tỷ phú Jack Ma có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sau đó là buổi làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và tham dự Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam.

Trong chương trình, tỷ phú có một phiên đối thoại xoay quanh kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên thiết bị di động ở Trung Quốc (qua ứng dụng Alipay) và câu chuyện toàn cầu hoá của Alibaba. Vào cuối buổi chiều, tỷ phú này sẽ có buổi nói chuyện với khoảng 3.000 sinh viên tại Hà Nội nhằm khơi gợi tinh thần, hoài bão cho các bạn trẻ Việt Nam trước khi bay vào Đà Nẵng tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC.

Anh Thi - Ngô Minh