|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Indonesia sẽ đổ gần 2 tỉ đô la vào dự án đường sắt Lào - Việt

22:10 | 23/10/2019
Chia sẻ
Xây dựng đường sắt kết nối các quốc gia Đông Nam Á và liên vùng với Trung Quốc đang là kế hoạch lớn trong khu vực và cần nhiều vốn đầu tư. Thông tin mới cập nhật cho thấy nhiều khả năng vốn từ Indonesia sẽ đổ vào đường sắt kết nối Lào-Việt.

Thông tin từ TTXVN mới đây cho biết Liên minh Phát triển Đường sắt Indonesia (IRDC) đang lên kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt với chi phí 28.000 Rp (tương đương 1,98 tỉ đô la Mỹ) kết nối Lào với Việt Nam.

Trước đó, theo thông tin trên website của Công ty INKA (Indonesia), cho biết ngày 15-10 trước đó tại Viêng Chăn (Lào), IRDC (Liên minh Phát triển Đường sắt Indonesia) đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển với Công ty Thương mại Dầu khí Lào (Petrotrade), Công ty TNHH Quản lý Xây dựng và Đầu tư HT (Việt Nam). Trước đó, các bên đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) vào ngày 25-6.

Liên minh các công ty của Indonesia, bao gồm 4 doanh nghiệp nhà nước là INKA, LEN, Waskita Karya Tbk và KAI. Trong đó đóng vai trò chủ chốt là INKA, là công ty sản xuất toa xe lửa thuộc sở hữu nhà nước.

Indonesia sẽ đổ gần 2 tỉ đô la vào dự án đường sắt Lào - Việt - Ảnh 1.

Buổi lễ ký kết hợp tác giữa Liên minh Phát triển đường sắt Indonesia và các đối tác khác. Nguồn: INKA

TTXVN dẫn thông tin từ Vientiane Times (số ra ngày 17-10), đưa tin Chính phủ Lào đã giao cho Công ty Thương mại Dầu khí Lào (PetroTrade) tiến hành nghiên cứu khả thi về Dự án Đường sắt Lào-Việt Nam, từ huyện Thakhaek, tỉnh Khammuan (Lào), tới biên giới Việt Nam.

Tuyến đường sắt này sẽ có khoảng cách từ 240-270 km, bao gồm khoảng 150 km ở phía Lào và 120 km ở phía Việt Nam. Sau khi được Chính phủ Việt Nam cho phép, công ty sẽ tiếp tục khảo sát từ biên giới Việt Nam đến cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Thông tin ban đầu cho thấy đây là dự án đường ray một khổ chuẩn quốc tế, chuyên chở hành khách và hàng hóa với vận tốc ước đạt 90-120 km/giờ, sử dụng công nghệ và thiết bị từ phía Indonesia. Tổng giá trị đầu tư vẫn chưa được công bố, nhưng phía Lào kỳ vọng dự án khởi công vào cuối năm 2021 và được kỳ vọng hoàn thành vào năm 2024.

Trước đó, công văn 2736 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành tháng 3-2019, có nội dung về việc triển khai dự án này. Theo đó, chính phủ 2 nước Việt Nam và Lào có thỏa thuận xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn với tổng chiều dài dự kiến 555 km, đi qua địa phận các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình (Việt Nam), tỉnh Khammuan, tỉnh Borikhamsay và thành phố Vientiane (Lào).  Hai bên tự chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt và hạ tầng liên quan trên địa phận của mỗi quốc gia.

Tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng là dự án cơ sở hạ tầng quan trọng không chỉ kết nối Lào với Việt Nam, mà còn nối với tuyến đường sắt Singapore - Côn Minh (Trung Quốc), đã hoàn thành được khoảng 60% theo Vientiane Times.

Việc tìm vốn luôn là điểm khó khăn cho các dự án hạ tầng, đặc biệt là dự án đường sắt. Năm 2017, thông tin từ  Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) ước tính sơ bộ tuyến đường sắt nối Viêng chăn (Lào) - Hà Tĩnh (Việt Nam) có chiều dài hơn 241km sẽ cần đến 4 tỉ đô la vốn đầu tư.

Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia rót nhiều tiền vào các dự án đường sắt tại Đông Nam Á. Theo China South Morning Post, dự án 7 tỉ đô la đường sắt kết nối Lào với Côn Minh (Trung Quốc) đã gần như hoàn thành một nửa, có thể khai thác vào năm 2021.

Dũng Nguyễn

WB: Việt Nam sẽ nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu năm 2025
Theo ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia, với mức tăng GDP 6,6% trong năm 2025 dù thấp hơn mục tiêu đặt ra (ít nhất 8%), song Việt Nam vẫn nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất ở Đông Á cũng như toàn cầu.