|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

IMF: Giá dầu thô tại Trung Đông - Trung Á trong ngưỡng 40 - 50 USD/thùng vào năm 2021

10:55 | 20/10/2020
Chia sẻ
Theo IMF, ngành dầu mỏ khu vực Trung Đông và Trung Á sẽ không phục hồi mạnh mẽ vào năm tới nên giá dầu thô chỉ có thể nằm trong ngưỡng 40 - 50 USD/thùng cho cả năm 2021.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế công bố ngày 19/10, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo phục hồi kinh tế của khu vực Trung Đông và Trung Á trong năm 2021. Theo đó, IMF dự đoán nền kinh tế khu vực sẽ giảm 4,1%, thấp hơn 1,3 điểm % so với đánh giá hồi tháng 4.

Ông Jihad Azour, Giám đốc IMF khu vực Trung Đông và Trung Á, cho biết mức độ chênh lệch lớn về thiệt hại kinh tế giữa các nước nhập khẩu và xuất khẩu dầu thô trong khu vực bị đại dịch COVID-19 và giá dầu lao dốc chi phối.

"Hai hai cú sốc này khiến hoạt động kinh tế trong khu vực giảm mạnh và có sự phân hóa giữa các nước nhập khẩu và xuất khẩu dầu thô", ông Azour chia sẻ với CNBC.

"Ước tính trung bình, chúng tôi dự đoán nền kinh tế của các nước xuất khẩu dầu giảm 6,6% trong năm 2021, trong khi của các nước nhập khẩu dầu chỉ giảm 1%", ông Azour nói tiếp.

IMF: Giá dầu thô tại Trung Đông - Trung Á trong ngưỡng 40 - 50 USD/thùng vào năm 2021 - Ảnh 1.

Một giàn khoan ngoài khơi do Saudi Aramco điều hành ở mỏ dầu Manifa, Arab Saudi. (Ảnh: Getty Images)

Giá dầu tiếp tục chịu áp lực

Giá dầu thô sẽ là yếu tố quan trọng nhất đối với quá trình phục hồi của các nước xuất khẩu dầu, đặc biệt là Arab Saudi, Iraq, UAE, Bahrain và Kuwait (tức các nước mà dầu mỏ chiếm phần lớn nguồn thu quốc gia).

Dù giá dầu thô đã phục hồi sau đợt lao dốc lịch sử hồi tháng 3 năm nay, giá dầu Brent vẫn đang giao dịch thấp hơn gần 40% so với mức trước đại dịch.

IMF không nhận thấy khả năng giá dầu thô sẽ sớm phục hồi mạnh. Cơ quan này ước tính giá dầu sẽ nằm trong khoảng 40 - 50 USD/thùng vào năm 2021, giảm một nửa so với mức giá 80 USD/thùng mà Arab Saudi cần để cân đối ngân sách nhà nước.

Ông Azour lí giải: "Chúng tôi dự đoán giá dầu thô đạt khoảng 40 - 45 USD/thùng vào đầu năm 2021, sau đó tăng lên 40 - 50 USD/thùng cho cả năm. Theo tôi, chúng ta nên theo dõi sát sao quá trình phục hồi của nhu cầu, một yếu tố quan trọng mà chúng ta đã nhận thấy trong năm nay bên cạnh nguồn cung năng lượng tái tạo".

Triển vọng nhu cầu dầu thô hiện khá ảm đảm khi mà đại dịch COVID-19 còn đang hoành hành trên khắp thế giới và bất ổn luôn xuất hiện quanh gói kích thích kinh tế cũng như bầu cử tổng thống tại Mỹ.

Hồi tháng 9, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo nhu cầu dầu thô trên toàn thế giới trong năm nay xuống 91,7 triệu thùng/ngày, giảm 8,4 triệu thùng/ngày so với cùng kì năm trước và giảm 8,1 triệu thùng/ngày so với dự đoán hồi tháng 8 của IEA.

OPEC thậm chí còn đưa ra dự báo u ám hơn cho năm nay khi hạ triển vọng nhu cầu dâu thô toàn cầu xuống mức trung bình 90,2 triệu thùng/ngày, giảm 9,5 triệu thùng/ngày so với cùng kì năm ngoái. Liên minh dầu mỏ mô tả triển vọng nhu cầu dầu thô là "yếu kém" và đưa ra cảnh báo về rủi ro lớn trong tương lai.

Giám đốc Azour nhấn mạnh, đa dạng hóa lĩnh vực kinh tế và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng đại dịch COVID-19 là chìa khóa để củng cố nền kinh tế khu vực Trung Đông và Trung Á.

Đa dạng hóa kinh tế sẽ là một thách thức lớn khi đại dịch đã giáng đòn đau vào một số lĩnh vực phi dầu mỏ quan trọng nhất của khu vực như du lịch, vận tải, bán lẻ và bất động sản. Chỉ riêng du lịch bằng đường hàng không được cho là đến năm 2023 mới có thể phục hồi về mức trước đại dịch.

Khả Nhân

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.