|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

IHS Markit đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam

22:00 | 15/11/2021
Chia sẻ
Công ty Nghiên cứu thị trường IHS Markit (Vương quốc Anh) vừa đăng bài viết dự báo về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Trang ihsmarkit.com của Công ty Nghiên cứu thị trường IHS Markit (Vương quốc Anh) vừa đăng bài viết dự báo về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Theo đó, bài viết nhận định chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 10/2021 cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất, dù quá trình phục hồi kinh tế vẫn gặp phải những trở ngại do sự gia tăng các trường hợp mắc mới COVID-19 cũng như tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.

IHS Markit đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Dệt 8-3 vận hành dây chuyền sản xuất sợi. (Ảnh: Báo Nhân dân).

Do số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày bắt đầu giảm trong nửa cuối tháng 9 và đầu tháng 10, việc nới lỏng giãn cách cho phép nhiều nhà máy mở cửa trở lại, dẫn đến chỉ số PMI sản xuất của Việt Nam tháng 10 tăng mạnh lên 52,1. 

Trong quý III, các công ty ghi nhận tình trạng gián đoạn nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng trong kết quả khảo sát PMI. Các công ty liên kết lâu hơn dẫn đến khó khăn trong việc vận chuyển cả trong nước và quốc tế do đại dịch, cũng như tình trạng thiếu nguyên liệu.

Các nhà sản xuất cũng phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao. Các vấn đề về lao động vẫn tồn tại dù tốc độ tăng trưởng tăng trở lại. Tình trạng thiếu lao động cũng làm tăng lượng công việc tồn đọng, do công nhân nhập cư trở về quê sau thời gian giãn cách kéo dài và đóng cửa nhà máy trên diện rộng.

Tuy nhiên, bài viết nhận định tác động kinh tế của dịch COVID-19 dự kiến sẽ giảm trong năm 2022 khi Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tiêm chủng cho toàn bộ người dân. Một yếu tố thuận lợi mới nữa là việc hai công ty Mỹ là Pfizer và Merck đang điều chế thuốc viên điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. 

Sự kết hợp giữa việc tăng cường triển khai tiêm chủng và nguồn cung thuốc chữa COVID-19 được kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn đại dịch trong năm 2022.

Về triển vọng trung hạn trong 5 năm tới, bài viết chỉ ra một số động lực chính được kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á. 

Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ giá nhân công tương đối thấp. 

Thứ hai, Việt Nam có một lực lượng lao động tương đối lớn, có trình độ tốt so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực Đông Nam Á, trở thành trung tâm sản xuất chế tạo hấp dẫn thu hút các công ty đa quốc gia. 

Thứ ba, chi tiêu vốn dự kiến sẽ tăng nhanh, cho thấy các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục đổ vốn trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng như nhà nước sẽ tiếp tục tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. 

Thứ tư, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn khi các công ty cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước trong khu vực châu Á. 

Thứ năm, nhiều công ty đa quốc gia đã và đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất trong suốt thập kỷ qua để giảm nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung và các sự kiện địa chính trị.

IHS Markit đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam - Ảnh 2.

Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN).

Ngoài ra, bài viết cũng nhận định Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày càng nở rộ. 

Là một thành viên ASEAN, Việt Nam được hưởng lợi đáng kể từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), về cơ bản dỡ bỏ thuế quan đối với thương mại giữa các nước thành viên ASEAN kể từ năm 2010. 

ASEAN cũng có một mạng lưới FTA với các nền kinh tế lớn của châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là FTA Trung Quốc - ASEAN có hiệu lực từ năm 2010. Mạng lưới các FTA tự do này giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam với tư cách là một trung tâm sản xuất-xuất khẩu chi phí thấp. 

Trong khi đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) là FTA mới quan trọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Bất chấp những rủi ro ngắn hạn, về triển vọng kinh tế trung hạn, một số lượng lớn các động lực tăng trưởng tích cực đang tạo ra những luồng gió thuận lợi và sẽ tiếp tục tạo nền tảng để kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy GDP cũng như thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng mạnh. 

Vai trò trung tâm sản xuất chi phí thấp của Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhờ sự mở rộng hơn nữa của các ngành công nghiệp chính hiện có, đặc biệt là dệt may và điện tử, cũng như sự phát triển của các ngành công nghiệp mới như ô tô và hóa dầu.

Bùi Anh Quân