|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Huy động vốn của các TCTD tăng 5,99% sau gần 12 tháng

11:01 | 29/12/2022
Chia sẻ
Tính tới 21/12, tăng trưởng huy động từ nền kinh tế tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước chỉ đạt gần 6% trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 12,87%.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV của Tổng Cục Thống kê (GSO) cho hay tính đến thời điểm 21/12/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,85% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 8,31%).

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,99%, thấp hơn nhiều so với con số cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,73%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,87%, cùng thời điểm năm 2021 tăng 12,53%.

Theo số liệu của Wigroup, chênh lệch tín dụng - huy động của nền kinh tế vẫn ở mức âm (kể từ tháng 7). Điều này cho thấy áp lực lên cơ cấu vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) khi tỷ lệ cho vay trên huy động đang ở mức khá cao, tỷ lệ LDR thuần tại một số ngân hàng đã vượt ngưỡng 100% theo ước tính của SSI (vào cuối tháng 9).

Huy động và tín dụng nền kinh tế 

 Nguồn: Wichart.

Số liệu tăng trưởng tín dụng công bố từ GSO tương đồng với con số được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra vào họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023 vừa qua.

Vào đầu tháng 12, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) từ 14% lên 15,5% - 16%. Như vậy, trong 10 ngày cuối cùng của năm 2022, toàn hệ thống ngân hàng vẫn còn dư khoảng 2,63% - 3,13% room tín dụng, một con số không hề nhỏ.

Đại diện NHNN cũng chưa tiết lộ con số tăng trưởng tín dụng mục tiêu của năm 2023, tuy nhiên thông điệp được phát đi từ nhà điều hành là sẽ hỗ trợ cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát lên hàng đầu, xem xét rất thận trọng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 nhưng không cứng nhắc. 

Trong năm 2022, áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hai lần điều chỉnh nâng lãi suất điều hành để phù hợp với bối cảnh quốc tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Lãi suất cho vay tăng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Nhiều TCTD đã thực hiện giảm lãi suất từ 0,5- 3,0%/năm; đồng thời tập trung giải ngân những lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng phụ trợ và các lĩnh vực thuộc động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Diệp Bình

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.