Hướng đi bền vững cho thị trường vốn châu Á
Tháng 8/2024, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã công bố thành lập một nhóm đánh giá để củng cố thị trường chứng khoán Singapore. Nhiều đề xuất đã được đưa ra kể từ đó, bao gồm nghiên cứu cách mà các thị trường khác tự phục hồi và tăng cường những khía cạnh của chế độ quản lý tại địa phương.
Nhóm này- được chia thành luồng công việc doanh nghiệp và thị trường và luồng công việc quản lý- có nhiệm vụ khá thú vị. Một trong những mục tiêu của nhóm là xây dựng kế hoạch dựa trên những gì hiệu quả và xác định các cơ hội tăng trưởng mới. Ông Chee Hong Tat- Bộ trưởng thứ hai Bộ Tài chính Singapore, người đứng đầu nhóm đánh giá - đã nhấn mạnh một quan điểm quan trọng: thay vì cạnh tranh trực tiếp với các sàn giao dịch lớn hơn, Singapore nên tập trung vào việc "tạo thêm giá trị bằng cách phát huy thế mạnh của mình".
Một lĩnh vực cần khám phá thêm là tận dụng vị thế dẫn đầu của đất nước trong lĩnh vực tài chính bền vững, để củng cố thị trường chứng khoán Singapore. Đó là tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của châu Á.
Chiến lược hỗ trợ mục tiêu phát thải ròng bằng 0
Khi quá trình chuyển đổi toàn cầu sang mục tiêu phát thải ròng bằng 0 diễn ra nhanh hơn, nhu cầu về tài chính cũng sẽ tăng theo.
Châu Á đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn trầm trọng- khu vực này cần ít nhất 1.100 tỷ USD tài trợ cho khí hậu hàng năm, nhưng khu vực này hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đáng kinh ngạc là 815 tỷ USD mỗi năm, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Phần lớn nhu cầu tài trợ cho châu Á được thúc đẩy bởi các dự án cơ sở hạ tầng thâm dụng vốn, thường trông chờ vào nợ công và những khoản vay ngân hàng để được nhận vốn hỗ trợ.
Ngoài ra, cần phải thúc đẩy việc mở rộng quy mô các công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ giải quyết những vấn đề về môi trường hoặc xã hội. Tùy thuộc vào quy mô của các doanh nghiệp này hoặc quy mô giải pháp của họ, nợ và những khoản vay có thể không phải là kênh tài trợ phù hợp nhất.
Vốn chủ sở hữu xanh có thể giúp thu hẹp khoảng cách này và Singapore có thể mở rộng thị trường bằng cách hoạt động như một bệ phóng cho các công ty đang tìm kiếm nguồn tài trợ để mở rộng quy mô sản phẩm và dịch vụ của họ, hướng đến một nền kinh tế ít carbon. Quốc gia Đông Nam Á này có thể tận dụng thế mạnh hiện có của mình với tư cách là đơn vị dẫn đầu trong niêm yết trái phiếu quốc tế tại châu Á.
Về khối lượng phát hành, gần 1/4 số trái phiếu như vậy đã được niêm yết tại Singapore. Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) hiện niêm yết hơn 160 chứng khoán theo chứng nhận Thu nhập cố định bền vững, một sự công nhận dành cho các trái phiếu đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, xã hội hoặc bền vững.
Việc mở rộng vai trò của SGX như một trung tâm niêm yết xanh sẽ nâng cao khả năng cung cấp của Singapore cho các doanh nghiệp ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau và biến sàn giao dịch này trở thành điểm đến hấp dẫn hơn để tìm kiếm nguồn tài trợ.
Cách tiếp cận như vậy không phải là chưa có tiền lệ. Năm 2018, sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) đã đưa ra các quy tắc niêm yết đối với những công ty chăm sóc sức khỏe và công nghệ sinh học chưa có doanh thu, mang lại thành công đáng kể.
Đến năm 2021, sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong đã thu hút được 63 công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực này, huy động được tổng cộng khoảng 25,3 tỷ USD. Singapore có thể khám phá một lối đi tương tự để trở thành trung tâm cho các công ty xanh và bền vững.
Chiến lược tăng trưởng
Để bắt đầu, Singapore có thể đưa ra các sáng kiến để khuyến khích những công ty khởi nghiệp hướng đến tính bền vững và chọn SGX làm địa điểm niêm yết.
Theo dữ liệu của Crunchbase, Singapore đã có một nguồn dự trữ lớn các công ty công nghệ xanh, với hơn 110 công ty khởi nghiệp bền vững đang hoạt động tại đây. Các doanh nhân tại Singapore có thể tiếp cận hệ sinh thái sôi động gồm những ngân hàng, quỹ, văn phòng gia đình và nhà đầu tư chiến lược để huy động vốn cho giai đoạn tăng trưởng từ đầu đến khoảng giữa.
Do đó, việc định vị SGX là địa điểm niêm yết được ưa chuộng là một sự mở rộng tự nhiên và đảm bảo các doanh nghiệp ở mọi giai đoạn tăng trưởng đều có thể tìm kiếm nguồn tài trợ tại đây, thay vì phải ra nước ngoài khi thực hiện bước nhảy vọt để trở thành công ty niêm yết.
Biện pháp khả quan là tạo ra "Nhãn xanh" cụ thể cho các công ty như vậy. Dấu hiệu Kinh tế Xanh của Sàn giao dịch chứng khoán London, nêu bật các công ty có ít nhất 50% doanh thu từ những hoạt động xanh, là một tài liệu tham khảo hữu ích về vấn đề này.
Hội đồng quản trị Catalist có thể áp dụng các nhãn xanh này để tăng sức hấp dẫn đối với những công ty khởi nghiệp xanh. Với các yêu cầu niêm yết đơn giản hơn, Catalist có thể đóng vai trò là bàn đạp để các công ty công nghệ xanh nhỏ hơn khai thác nguồn vốn công để thúc đẩy tăng trưởng.
Điều này cũng có thể biến Catalist từ một hội đồng thứ cấp cho tất cả các công ty nhỏ hơn thành một hội đồng đóng vai trò trung tâm trong tham vọng trở thành trung tâm tài chính xanh của Singapore.
Ngoài ra còn có một cơ hội tạo ra các chỉ số liên kết với châu Á vốn theo sát những công ty lớn nhất đang tạo ra tác động trong không gian môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Cơ quan quản lý chỉ số chứng khoán S&P của Mỹ đã thực hiện một nỗ lực tương tự với Sở giao dịch chứng khoán Ai Cập bằng cách tạo ra Chỉ số S&P/EGX ESG.
Vậy Singapore có thể tạo ra chỉ số chứng khoán riêng với các chủ đề tập trung vào những nhà cung cấp công nghệ carbon thấp phục vụ cho châu Á không? Chắc chắn, các chỉ số như vậy có thể giúp tăng mức độ tiếp xúc và chuyển hướng đầu tư vào những công ty chú trọng vào hoạt động bền vững.
Con đường phía trước
Việc củng cố thị trường cổ phiếu địa phương sẽ đòi hỏi một tầm nhìn rõ ràng và nỗ lực hợp tác giữa các ngành. Các thành phần cơ bản để thành công đã có sẵn. Singapore có một chính phủ hướng tới tương lai, các quy định thuận lợi khuyến khích những doanh nghiệp theo đuổi các hoạt động bền vững hơn và một hệ sinh thái những nhà cung cấp giải pháp đang ngày càng nở rộ.
Điều này đã thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ carbon thấp hơn tại Singapore, đồng thời tạo động lực cho hoạt động tài chính bền vững.
Các tổ chức tài chính tại Singapore cũng đã nỗ lực đối mặt với thách thức. Năm 2021, DBS trở thành ngân hàng Singapore đầu tiên tham gia Liên minh Ngân hàng Net Zero (ngân hàng không phát thải) và là ngân hàng đầu tiên đặt ra các mục tiêu phi carbon hóa mang tính bước ngoặt vào năm 2022. Các cam kết tài trợ bền vững của DBS đạt 70 tỷ USD vào năm 2023.
Các tổ chức quốc tế, bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cũng như các nhà đầu tư có ảnh hưởng như Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh, đều có mặt tại Singapore. Điều này đã tạo ra một hệ sinh thái sôi động cho nhiều yêu cầu tài trợ bền vững khác nhau, như tài chính hỗn hợp.
Bằng cách tận dụng thế mạnh của Singapore với tư cách là quốc gia dẫn đầu trong cả tài trợ xanh và tài trợ chuyển đổi, có tiềm năng to lớn trong việc định vị thị trường cổ phiếu địa phương theo hướng tập trung vào xanh. Nếu được thực hiện đúng cách, nỗ lực này có thể tạo ra “hiệu ứng bánh đà” để đưa Singapore tiến tới nền kinh tế xanh trong tương lai.