UBTVQH đề nghị vực dậy thị trường vốn, chấn chỉnh thị trường vàng
Trình bày Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch năm 2025 gửi đến Quốc hội sáng 9/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2024 mục tiêu tổng quát và 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 103 (năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu).
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%).
Cơ bản nhất trí với những kết quả đạt được song báo cáo Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Nợ xấu ở mức cao
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đánh giá thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm. Tín dụng những tháng đầu năm tăng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế.
Tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng trong nửa đầu năm 2024 trước áp lực của thị trường quốc tế và cung vầu thị trường ngoại tệ trong nước kém thuận lợi, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nợ xấu chủ yếu tăng ở các ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động kinh doanh bất động sản.
Nguyên nhân được cho là do thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chậm phục hồi, khả năng trả nợ của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Trong khi đó, khả năng bao phủ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục suy giảm do số dư dự phòng rủi ro tăng chậm hơn.
Trong bối cảnh nợ xấu tăng, một số tổ chức tín dụng chịu áp lực tăng vốn để bảo đảm năng lực tài chính. Xu hướng nợ xấu gia tăng đã buộc các tổ chức tín dụng phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay để giảm bớt rủi ro.
Có ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do nợ xấu và rủi ro nợ xấu tăng khiến các ngân hàng thương mại thận trọng hơn trong cho vay; nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hoặc thu hẹp sản xuất do khó khăn thiếu đơn hàng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất, kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu.
Tỷ giá, giá vàng có giai đoạn bất ổn
Bên cạnh đó, tỷ giá VND/USD trong năm 2024 có giai đoạn tăng cao ngoài dự báo như ngày 2/1, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.848 đồng thì đến 16/5 là 24.240 đồng khiến doanh nghiệp thêm nhiều khó khăn.
Thị trường vàng cũng có nhiều biến động, chỉ số giá vàng trong nước tháng 9/2024 tăng 22,6% so với tháng 12/2023, tăng 32,27% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 26,27% so với cùng kỳ khi giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng mạnh từ năm 2020 đến nay. Trong năm 2024, có thời điểm ghi nhận chênh lệch lên đến 20 triệu đồng/lượng, cao hơn 8,3 lần so với bình quân giai đoạn 2012 - 2020.
Chênh lệch giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới do cầu về vàng lớn, trong khi nguồn cung vàng miếng bị kiểm soát chặt thông qua công ty SJC; nguồn cung vàng nguyên liệu dùng để sản xuất vàng miếng và vàng trang sức hiện cũng đang được kiểm soát thông qua hạn ngạch nhập khẩu hằng năm.
Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: tổng cầu phục hồi yếu, trong đó cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt là thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, mặc dù thời gian vừa qua Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại bán vàng và đã rút ngắn được chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và giá vàng trong nước, tuy nhiên đây vẫn là một thị trường vàng nhiều yếu tố rủi ro.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục quản lý, chấn chỉnh thị trường vàng để đảm bảo thị trường trong nước ổn định, không chênh lệch nhiều với thị trường quốc tế.
Vực dậy thị trường vốn
Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), báo cáo thẩm tra từ Uỷ ban Kinh tế nêu rõ, mặc dù thanh khoản đã cải thiện đáng kể song vẫn đối mặt với nhiều thách thức để trở thành một kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, chia sẻ vai trò cung ứng vốn với hệ thống ngân hàng.
Diễn biến những năm qua cho thấy, thị trường TPDN đang gặp một số khó khăn, thách thức. Trong đó, quy mô thị trường còn nhỏ so với nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp. Tổng dư nợ TPDN tại thời điểm cuối tháng 8/2024 chỉ đạt khoảng 1.025 nghìn tỷ đồng, tương đương 10% GDP. Con số này còn thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia (54% GDP), Singapore (25%), Thái Lan (27%).
Ngoài ra, cơ cấu phát hành chưa hợp lý khi phát hành riêng lẻ chiếm tỷ trọng quá lớn (khoảng 88%), trong khi phát hành ra công chúng còn rất hạn chế (khoảng 12%). Điều này không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp từ nhà đầu tư đại chúng mà còn tạo ra rủi ro về tính minh bạch của thị trường.
Bên cạnh đó, cơ cấu nhà đầu tư còn mất cân đối, với tỷ trọng lớn là các ngân hàng thương mại và nhà đầu tư cá nhân, trong khi các định chế tài chính chuyên nghiệp như quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm còn tham gia hạn chế.
Kỳ hạn trái phiếu còn ngắn, trung bình thường dưới 5 năm, chưa phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. Kỳ hạn ngắn cũng tạo áp lực đáo hạn lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Tính minh bạch thông tin còn hạn chế là một vấn đề đáng quan ngại, Uỷ ban Kinh tế nhận định. Việc thiếu vắng hoạt động xếp hạng tín nhiệm độc lập cho phần lớn các đợt phát hành TPDN, đặc biệt là đối với phát hành riêng lẻ. Chất lượng và mức độ chi tiết của thông tin công bố còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Thị trường còn thiếu một cơ chế định giá hiệu quả, đặc biệt là việc xác định lợi suất đến khi đáo hạn (YTM - Yield to Maturity) cho các trái phiếu. Điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc đánh giá và so sánh các cơ hội đầu tư, đồng thời cũng hạn chế khả năng xây dựng một đường cong lợi suất chuẩn cho thị trường TPDN;
Thị trường còn thiếu dữ liệu về xác suất vỡ nợ (PD - Probability of Default) của các tổ chức phát hành, có thể dẫn đến việc định giá không chính xác và làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân không có khả năng tự đánh giá rủi ro tín dụng.
Những vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc cải thiện và phát triển thị trường TPDN Việt Nam theo hướng bền vững, minh bạch và hiệu quả hơn, báo cáo nêu rõ.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025; chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt hơn số lượng nhà ở đang được xây dựng mới.
Đồng thời, C tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển; kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước; đảm bảo nguồn cung và ổn định đối với các mặt hàng thiết yếu; quan tâm chỉ đạo quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia.