HSC: Công cụ chính để xử lý nợ xấu là thời gian
Theo báo cáo phân tích thị trường mới đây, Công ty Cổ phần chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) đã đưa ra đánh giá về một số chỉ tiêu của hệ thống ngân hàng hiện nay, trong đó có vấn đề về xử lý nợ xấu.
Không sử dụng NSNN để xử lý nợ xấu nhưng cần đảm bảo nợ xấu dưới 3%
Theo HSC, tính đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu trong hệ thống và nợ xấu được hoán đổi với VAMC) ước tính khoảng 6,6%. Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội vẫn đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu được hoán đổi với VAMC) xuống dưới 3%.
HSC cho biết, Quốc hội cũng đã xác định không sử dụng Ngân sách Nhà nước (NSNN) để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, Nghị quyết đề cập đến việc có thể sử dụng các “nguồn lực phù hợp” để đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Điều này để ngỏ cho khả năng xử lý nợ xấu bằng những phương pháp “sáng tạo” hơn trong khi vẫn chưa rõ “nguồn lực phù hợp” ở đây là nguồn lực nào.
Về vấn đề này, một số chuyên gia ngân hàng cho rằng việc sử dùng “nguồn lực” trên, thậm chí cả NSNN là cần thiết. Tuy nhiên, một số quan điểm khác lại hướng tới việc sử dụng tích cực hơn kênh tái cấp vốn cho các ngân hàng hoặc cho phép các ngân hàng phát hành một số dạng trái phiếu đặc thù để đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Theo phát biểu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp lần này, HSC hiểu rằng Chính phủ sẽ tập trung cải thiện và thống nhất khung pháp lý trong các lĩnh vực liên quan đến thu hồi nợ xấu, thanh lý tài sản đảm bảo; đồng thời, cải cách thủ tục tố tụng và xử lý các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản đảm bảo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng có nhắc tới vấn đề cải thiện năng lực của VAMC, có thể là tăng vốn hoặc tăng quyền hạn cho cơ quan này. Trên thực tế, những mục tiêu này không hề mới và đã được đưa ra thảo luận nhiều lần ngay từ khi VAMC được thành lập vào năm 2013-2014, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Xử lý nợ xấu cần nhất là thời gian
Theo HSC, công cụ chính để xử lý nợ xấu là thời gian. Tốc độ xử lý nợ xấu phụ thuộc vào thu nhập hoạt động thuần của hệ thống ngân hàng, đồng thời là nguồn lực để trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, HSC cũng lưu ý rằng nguồn thu từ nợ đã xử lý (số tiền thu hồi từ khoản nợ đã được xử lý bằng dự phòng và đã được chuyển sang hạch toán ngoại bạng) là nguồn đóng góp lớn cho thu nhập hoạt động trong năm ngoái, đã giảm mạnh ở nhiều ngân hàng lớn đã niêm yết từ đầu năm đến hiện tại. Điều này cho thấy tốc độ thu hồi nợ tăng mạnh trong năm 2015 là không dễ để duy trì trong thời gian tới.
“Ngay cả đối với trái phiếu đặc biệt VAMC vẫn cần có yêu cầu trích lập dự phòng 20% giá trị trái phiếu mỗi năm cho đến khi trái phiếu đáo hạn sau năm năm” - HSC nêu quan điểm. Hiện, trái phiếu đặc biệt VAMC hiện tại chỉ có kỳ hạn 5 năm (gia hạn lên 10 năm trong một số trường hợp đặc biệt) và HSC cho rằng một số ngân hàng nhỏ có thể cần nhiều thời gian hơn thế.
HSC nói khi đã trích lập dự phòng được một khối lượng tương đối, các ngân hàng sẽ sẵn sàng bán nợ xấu kèm tài sản đảm bảo cho bên thứ ba hơn bởi vì lúc này ngân hàng sẽ không còn phải ghi nhận lỗ và làm suy giảm bảng cân đối.
Những quy định này đặt lên vai các ngân hàng gánh nặng trích lập dự phòng lớn nhưng cuối cùng sẽ giúp ngân hàng thực sự giải quyết được vấn đề nợ xấu.