Honda City mất ngôi vương, giảm mạnh doanh số
Trong tháng đầu quý II, thị trường sedan cỡ B giảm 21% so với tháng trước đó, cụ thể có 2.836 xe giao đến khách hàng, so với mức 3.606 xe. Hầu hết các xe trong phần khúc đều giảm doanh số.
Honda City từ hạng 1 hai tháng trước đã tụt xuống hạng 4. Từ mức doanh số kỷ lục trong 2024, cụ thể là 1.043 chiếc vào tháng 3, trôi xuống 405 xe tháng 4, giảm 61,2%, là biên độ giảm cao nhất trong bảng xếp hạng.
Toyota Vios là xe dẫn đầu, đánh dấu lần đầu tiên hãng Nhật đạt được ngôi vương phân khúc sedan cỡ B trong năm 2024, vươn lên từ hạng 3 trước đó. Có 923 xe Vios đã giao đến khách hàng, giảm nhẹ 1,2% so với tháng trước đó, cũng là biên độ giảm thấp nhất so với các mẫu xe đối thủ.
Xếp hạng 2 là Hyundai Accent, không thay đổi thứ hạng so với tháng trước, với 848 xe bán ra, giảm 12,3%. Mức giảm này cũng thuộc hàng thấp trong tháng. Mazda2 là xe bán chạy thứ 3, tăng thêm 1 hạng, với 427 xe bán ra, giảm chỉ 5,7% so với tháng trước.
Ở vị trí tốp dưới, Mitsubishi Attrage là xe duy nhất có doanh số tăng trong tháng, với 208 xe giao đến khách hàng, tăng 18,2% so với trước đó, và xếp hạng 5. Kia Soluto chỉ bán ra 24 xe, giảm 25%. Cuối cùng là Suzuki Ciaz với mức doanh số không đổi là 1 chiếc.
Trong tháng 4, mặc dù các đại lý, hãng xe vẫn có nhiều chương trình khuyến mãi và kích cầu tiêu dùng, thị trường vẫn không thể giữ vững phong độ so với khi "lên đỉnh" vào tháng cuối cùng của quý I. Trưởng phòng bán hàng một đại lý xe Nhật tại TP HCM cho rằng lượng khách hàng có nhu cầu mua xe giảm do đã được "dồn" vào tháng trước đó, vốn có nhiều khuyến mãi hơn vì đó là thời điểm kết thúc quý I, các hãng xe đua nhau chạy chỉ tiêu kết thúc năm tài chính 2023.
Bên cạnh đó, vào cuối tháng 4 đã xuất hiện thông tin Bộ Tài chính được giao đề xuất với Chính phủ giảm lệ phí trước bạ ôtô trong tháng 5, việc này đã phần nào làm nhu cầu mua xe chững lại, người dân chờ thêm tin tức quyết định trước khi mua ôtô.