|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hơn 800 tỷ USD bị thổi bay khỏi vốn hóa các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc

19:06 | 07/07/2021
Chia sẻ
Chỉ số Công nghệ Hang Seng lao dốc 31% so với đỉnh hồi tháng 2. Chuyên gia nhận định tình trạng bán tháo cổ phiếu công nghệ Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn trong quý III
Hơn 800 tỷ USD bị thổi bay khỏi vốn hóa các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc  - Ảnh 1.

Người ở Hong Kong cầm cờ Trung Quốc mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 1/7/2021. (Ảnh: Reuters).

Vốn hóa thị trường của các công ty công nghệ Trung Quốc đã giảm 823 tỷ USD kể từ đỉnh hồi tháng 2. Diễn biến này xảy ra khi Bắc Kinh siết chặt quản lý lĩnh vực công nghệ, khiến nhà đầu tư lo rằng đợt bán tháo còn lâu mới chấm dứt.

Hôm 6/7, các nhà chức trách Trung Quốc ra cảnh báo nghiêm khắc tới hàng loạt doanh nghiệp lớn nhất nước, yêu cầu các công ty này cam kết sẽ thắt chặt giám sát an ninh dữ liệu và hoạt động niêm yết ở thị trường nước ngoài. Động thái này được đưa ra chỉ vài ngày sau cuộc IPO của gã khổng lồ gọi xe Didi ở Mỹ.

Hành động của giới chức trách đã làm gia tăng lực bán đối với những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc bao gồm Alibaba, Tencent, JD.com, Baidu và Meituan.

Ông Paul Pong, Giám đốc điều hành công ty quản lý quỹ Pegasus Fund Managers dự đoán: "Đợt bán tháo sẽ kéo dài suốt quý III/2021. Chính phủ sẽ tung thêm nhiều biện pháp nữa". Ông Pong đã bán 2/3 số cổ phiếu công nghệ Trung Quốc trong danh mục từ tháng 5, bao gồm cả Tencent lẫn Alibaba.

Tổn thất nặng nề của 10 công nghệ công nghệ hàng đầu Trung Quốc bao gồm cả ba công ty niêm yết tại Mỹ. Giá chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của Didi sụt tới 20% trong phiên 6/7, xóa sổ 15 tỷ USD khỏi giá trị thị trường.

Hơn 800 tỷ USD bị thổi bay khỏi vốn hóa các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc  - Ảnh 2.

Chỉ số Công nghệ Hang Seng giảm 0,6% trong phiên giao dịch 7/7, nối dài chuỗi 6 ngày trượt dốc. Tencent, Alibaba và Meituan lần lượt mất 1,9%, 1,7% và 1,3%.  

Tuần trước, cơ quan quản lý Internet của Trung Quốc mở cuộc đánh giá mức độ an toàn mạng của Didi và cấm công ty này xuất hiện trên các cửa hàng ứng dụng.

Nước đi này gây choáng váng tới các nhà đầu tư và giám đốc công nghệ, cũng như tác động tiêu cực đến cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của các công ty cùng ngành.

Nhà đầu tư lo rằng các cuộc dò xét mới nhất đã mở ra mặt trận mới trong chiến dịch siết chặt các gã khổng lồ công nghệ của Chủ tịch Tập Cận Bình, bắt đầu với cuộc IPO đổ vỡ của Ant Group tháng 11 năm ngoái. Cuối tuần trước, Trung Quốc cũng "sờ gáy" hai công ty mới lên sàn tại New York là Full Truck Alliance và Kanzhun.

Ông Justin Tang, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại United First Partners nhận định nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ "bán trước, hỏi sau" để hạn chế rủi ro chính sách trong danh mục.

Giá chứng khoán nhiều khả năng sẽ biến động theo tâm lý ngắn hạn của nhà đầu tư thay vì yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, nhà quản lý quỹ Jian Shi Cortesi của GAM Investment Management viết trong email gửi đến Bloomberg.

Hơn 800 tỷ USD bị thổi bay khỏi vốn hóa các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc  - Ảnh 3.

Lấy mốc ngày 30/9/2020.

Mặt khác, định giá của các công ty công nghệ Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu trở nên hấp dẫn. Ông Jian Shi viết: "Nếu tâm lý thị trường đi vào trạng thái cực kỳ bi quan và chỉ số Hang Seng giảm 20% so với hiện nay, đó có thể là cơ hội hiếm có để mua một số công ty Internet tăng trưởng nhanh của Trung Quốc với giá cực kỳ hấp dẫn".

Giang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.