|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hơn 79.000 tỷ nợ có khả năng mất vốn tại 29 ngân hàng biến động ra sao sau nửa đầu năm?

15:38 | 04/10/2021
Chia sẻ
Biến động về số dư nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tại các ngân hàng có sự phân hoá rõ rệt trong nửa đầu năm 2021. Top 10 ngân hàng nhiều nợ có khả năng mất vốn nhất gồm BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank, SHB, Sacombank, SCB, Eximbank và VIB.

Thống kê số liệu từ báo cáo tài chính sau soát xét của 29 ngân hàng cho thấy tổng dư nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đến thời điểm 30/6 ghi nhận ở mức hơn 76.857 tỷ đồng, giảm 3% so với cuối năm 2020.

Top 10 ngân hàng nhiều nợ nhóm 5 nhất gồm BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank, SHB, Sacombank, SCB, Eximbank và VIB. Tổng nợ nhóm 5 của 10 ngân hàng này lên tới 63.501 tỷ đồng, chiếm đến 82,6% tổng nợ nhóm 5 của 29 ngân hàng khảo sát.

Trong đó, 4 "ông lớn" dẫn đầu bảng xếp hạng với tổng dư nợ có khả năng mất vốn là 47.457 tỷ đồng, tăng 9,7% so với đầu năm.

Hơn 79.000 tỷ nợ có khả năng mất vốn tại 29 ngân hàng biến động ra sao sau nửa đầu năm? - Ảnh 1.

TOP 10 ngân hàng có nhiều nợ nhóm 5 nhất vào cuối quý II/2021. (Nguồn: Phương Nga tổng hợp - Đồ hoạ: Alex Chu).

BIDV là ngân hàng có nhiều nợ có khả năng mất vốn nhất với 15.690 tỷ đồng, dù đã giảm 5% so với cuối năm 2020. Xếp thứ 2 là Agribank với 14.311 tỷ đồng nợ nhóm 5, giảm đến  13% so với cuối năm ngoái.

Theo sau đó là VietinBank và Vietcombank với mức dư nợ lần lượt là 12.294 tỷ đồng (tăng 103%) và 5.162 tỷ đồng (tăng 20%).

Về khối ngân hàng TMCP, SHB là nhà băng có nhiều nợ nhóm 5 nhất với 4.911 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm. Tiếp đến là Sacombank và SCB với mức nợ có khả năng mất đều trên 2.000 tỷ đồng.

Phân hoá rõ nét giữa các ngân hàng

Sự phân hoá rõ nét được thể hiện qua mức tăng trưởng của nợ nhóm 5 tại các ngân hàng. Trong số 29 nhà băng khảo sát, có một nửa ghi nhận nợ nhóm 5 tăng và một nửa ghi nhận giảm.

Những ngân hàng lại có chỉ tiêu nợ nhóm 5 tăng mạnh, thậm chí lên mức 3 con số như Nam A Bank (tăng 125%) hay VietinBank (tăng 103%). Các ngân hàng có mức tăng dưới 40% như ABBank (tăng 39%), HDBank (tăng 32%), SHB (tăng 29%),...

Ở chiều ngược lại, có tới 15 ngân hàng ghi nhận giảm nợ có khả năng mất vốn trong nửa đầu năm. Trong đó, Kienlongbank là ngân hàng giảm mạnh nhất với nợ nhóm 5 tính đến ngày 30/6 ở mức 436 tỷ đồng, giảm đến 4 lần so với đầu năm. 

Tuy nhiên, Kienlongbank là trường hợp đặc biệt bởi nợ nhóm 5 bị ảnh hưởng bởi khoản nợ 1.800 tỷ đồng khó đòi trong lịch sử. Nợ có khả năng mất vốn đã tăng vọt trong năm 2019 nhưng hiện đã xử lý được toàn bộ khoản nợ này nên con số cũng giảm mạnh tương ứng.

Ngoài Kienlongbank, nợ có khả năng mất vốn của nhiều ngân hàng cũng giảm mạnh so với đầu năm như SCB (giảm 67%), MB (giảm 59%), VPBank (giảm 46%), Techcombank (giảm 38%),...

Hơn 79.000 tỷ nợ có khả năng mất vốn tại 29 ngân hàng biến động ra sao sau nửa đầu năm? - Ảnh 2.

(Nguồn: Phương Nga tổng hợp).

Phương Nga

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.