|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Phó Thống đốc: Các NHTM cũng đứng trước thế khó khi giảm lãi suất, tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp

09:12 | 04/10/2021
Chia sẻ
Phó Thống đốc cho biết các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn phải kiểm soát chất lượng tín dụng nếu không nợ xấu nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng và có tác động bất ổn.
Phó Thống đốc: Các NHTM cũng đang khó khăn dù không trực tiếp như doanh nghiệp - Ảnh 1.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú. (Ảnh: Nhật Bắc).

Tại buổi tiếp xúc cử tri trực tuyến ngày 2/10,  Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết bản thân các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đứng trước khó khăn, không trực tiếp như doanh nghiệp nhưng có nguy cơ trong tương lai gần, đặc biệt là vấn đề nợ xấu, theo Dân trí.

"Điều kiện đặc biệt của năm nay buộc các NHTM thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn phải kiểm soát chất lượng tín dụng nếu không nợ xấu nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng, tác động bất ổn," ông Tú chia sẻ.

Phó Thống đốc cho rằng một doanh nghiệp phá sản có thể không ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng chỉ một ngân hàng mất ổn định sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền tài chính. Vì vậy, nguyên tắc điều hành là mở rộng tín dụng, hạ lãi suất nhưng phải ổn định vĩ mô, hệ thống NHTM, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Bên cạnh đó, ông Tú cho biết ngành ngân hàng rất muốn cho doanh nghiệp vay lãi suất 2-3%/năm. Tuy nhiên, muốn như vậy thì phải huy động tiền gửi với lãi suất 1-2%/năm. Khi đó, người dân chắc chắn không gửi tiền vào ngân hàng mà chuyển sang kênh khác.

"Việc huy động phải đảm bảo lãi suất tối thiểu để người dân gửi tiền có lợi nhuận. Ví dụ bây giờ huy động bình quân 4,5 - 5%/năm trừ đi lạm phát khoảng 3%, ít nhất người dân còn 2% để có lợi nhuận từ tiền gửi," ông Tú nói.

Xem xét kéo dài thời gian cơ cấu nợ sau 30/6/2022

Đối với việc doanh nghiệp muốn vay vốn để phục hồi sản xuất nhưng tài sản thế chấp đã hết, doanh thu giảm vì dịch bệnh, ông Tú cho biết chính sách cho phép các NHTM tự quyết định, không bắt buộc có tài sản thế chấp mới cho vay.

Tuy nhiên, ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm với các khoản cho vay, dứt khoát không để thành nợ xấu.

Tại buổi trao đổi, trước đề xuất kéo dài thời gian cơ cấu nợ do quá trình phục hồi có thể mất hàng năm, Phó Thống đốc cho biết hiện tại theo quy định tại Thông tư 14, thời hạn tái cơ cấu, hoãn, giãn nợ đến hạn đến 30/6/2022. NHNN cho biết sẽ xem xét tình hình của doanh nghiệp để ra quyết định.

Về đề xuất có thêm gói ưu đãi lãi suất bằng nguồn lực của Nhà nước, ông Tú lưu ý nguồn lực hỗ trợ lãi suất phải cân đối với vốn ngân sách. Còn sự hỗ trợ bằng nguồn lực của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thời gian qua đã miễn, giảm lãi suất cùng với nhiều khoản phí thanh toán và sẽ tiếp tục thực hiện chính sách này.

Phó Thống đốc khẳng định NHNN sẽ tiếp tục chia sẻ đồng hành với các doanh nghiệp, đặc biệt ở TPHCM với trách nhiệm cao nhất. "Những đối tượng cần ưu tiên nhiều thì sẽ được ưu tiên hơn. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, không thể có chính sách cào bằng", Phó thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Phương Nga