|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hơn 40 doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức tiền mặt, cao nhất 4.500 đồng/cp

15:17 | 29/05/2021
Chia sẻ
Trong tuần từ 1/6 đến 7/6 trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 43 doanh nghiệp giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức, trong đó có 40 bằng tiền mặt và 3 bằng cổ phiếu. Doanh nghiệp có tỷ lệ cổ tức cao nhất là Masan Consumer - công ty sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như tương ớt Chinsu, nước mắm Nam Ngư, mỳ Omachi, ...
Hơn 40 doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức tiền mặt, cao nhất 4.500 đồng/cp - Ảnh 1.

Sản phẩm nước mắm của Masan Consumer trong siêu thị VinMart. (Ảnh: Đức Quyền).

Cổ tức từ hai đại gia hàng tiêu dùng

Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - Mã: MCH) dự định trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 45%, tức là cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ được nhận 4.500 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày thanh toán lần lượt là 1/6 và 14/6.

Công ty hiện có hơn 700 triệu cổ phiếu MCH đang lưu hành và do vậy sẽ cần chi khoảng 3.200 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông. Liên tiếp 4 năm từ 2016 đến 2019, Masan Consumer cũng trả cổ tức bằng tiền mặt 4.500 đồng/cp.

Kết phiên 28/5 vừa qua, giá MCH dừng ở 116.400 đồng/cp, gần với mức đỉnh lịch sử thiết lập trong tháng 5 này. Từ đầu năm đến nay, MCH đã tăng hơn 25%.

Masan Consumer là công ty con do Tập đoàn Masan sở hữu gián tiếp 68,9%, nổi tiếng với các thương hiệu hàng tiêu dùng phổ biến như nước mắm Nam Ngư, mỳ khoai tây Omachi, tương ớt Chinsu, nước tương Tam Thái Tử, ...

Một công ty sản xuất hàng tiêu dùng khác cũng sẽ chốt quyền trả cổ tức trong tuần tới là CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM). Ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày thanh toán lần lượt là 7/6 và 30/6. Cổ đông sở hữu một cổ phiếu VNM sẽ được nhận 1.100 đồng.

Hơn 40 doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức tiền mặt, cao nhất 4.500 đồng/cp - Ảnh 3.

Sản phẩm sữa tươi của Vinamilk bày bán trong siêu thị. (Ảnh: Song Ngọc).

Ước tính Vinamilk sẽ cần chi khoảng 2.300 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông. Trong đó, cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ nhận về hơn 820 tỷ đồng, tương ứng với sở hữu 36%.

Kết phiên 28/5, giá VNM dừng ở 91.100 đồng/cp, giảm 15% so với ngày đầu năm bất chấp việc chỉ số VN-Index tăng gần 20%. 

Trong gần 5 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng gần 63 triệu cổ phiếu VNM, trị giá gần 6.300 tỷ đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang nắm giữ gần 1,15 tỷ cổ phiếu VNM.

Hiện nay Vinamilk có vốn hóa thị trường 190.395 tỷ đồng, đứng thứ 5 HOSE sau Vingroup, Vietcombank, Vinhomes, và Tập đoàn Hòa Phát.

Năm 2021, Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu 61.160 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 11.240 tỷ đồng. 

Công ty cổ phần FPT (Mã: FPT) có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% và bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%. Công ty hiện có 789 triệu cổ phiếu đang lưu hành, do vậy sẽ cần chi khoảng 789 tỷ đồng và phát hành mới 118,4 triệu cổ phiếu FPT để trả cổ tức cho cổ đông. 

Ngày giao dịch không hưởng quyền đều là 1/6. Ngày thanh toán cổ tức tiền mặt là 16/6, ngày phát hành cổ phiếu mới chưa được xác định.

Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình đang nắm giữ khoảng 7% vốn của FPT và do vậy sẽ nhận về hơn 55 tỷ đồng tiền cổ tức và 8,3 triệu cổ phiếu mới.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, FPT ghi nhận doanh thu 10.431 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.920 tỷ, tăng lần lượt 18% và 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hơn 40 doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức tiền mặt, cao nhất 4.500 đồng/cp - Ảnh 4.

Kết quả kinh doanh 4 tháng 2021 của FPT. (Nguồn: FPT).

Hàng loạt cổ phiếu thép sẽ chốt danh sách trả cổ tức trong đợt tới như VGS, VCA, SMC, TMG.

CTCP Ống thép Việt Đức VG Pipe (Mã: VGS) dự định trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10%. Ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày thanh toán lần lượt là 3/6 và 15/6. Tổng số tiền chi trả dự kiến là 42 tỷ đồng.

Hơn 40 doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức tiền mặt, cao nhất 4.500 đồng/cp - Ảnh 5.

Một biển quảng cáo của Thép Việt Đức bên cạnh đường cao tốc. (Ảnh: Song Ngọc).

Trong quý I vừa qua, VG Pipe ghi nhận lãi sau thuế 30,2 tỷ đồng, tăng 185% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu thuần đạt 1.644 tỷ, giảm hơn 10%.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm nay, VG Pipe sản xuất 54.200 tấn ống thép, tiêu thụ 53.500 tấn, chiếm 6,11% thị phần. 

Thị trường bán hàng chủ yếu của công ty là khu vực miền Bắc với sản lượng 37.900 tấn, sau đó là miền Nam và miền Trung, không có xuất khẩu.

Ngoài ra, công ty còn tiêu thụ hơn 191.000 tấn thép xây dựng trong 4 tháng, tăng 23% so với cùng kỳ và chiếm 5,2% so với cùng kỳ.

Danh sách doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức tuần tới (Tổng hợp từ Chứng khoán SSI):

STTNgày GDKHQNgày thực hiệnTỷ lệ
1TC61/629/62%
2CMD1/615/615%
3HFB1/622/66%
4HTC1/618/65%
5PLC1/617/65%
6FPT1/616/610%
7FPT1/615%
(bằng cổ phiếu)
8SDN1/611/622%
9MCH1/614/645%
10MTS1/616/67%
11TMG1/610/623%
12HLE1/622/68%
13HPP2/629/715%
14CDG2/629/610%
15DHD2/620%
(bằng cổ phiếu)
16AVC2/610/617%
17HJS2/625/610%
18NDC3/623/625%
19SMC3/618/65%
20L103/625/610%
21VFG3/624/620%
22BMI3/624/620%
23HC33/617/610%
24HC33/610%
(bằng cổ phiếu)
25GVT3/622/635%
27NHC3/630/610%
28IDJ3/610%

(bằng cổ phiếu)

29TMB3/622/610%
30VGS3/615/610%
31VMA3/614/610%
32HDM3/622/68%
33SIV4/621/614%
34HEC4/623/640%
35DRC7/628/610%
36HPT7/610/87%
37MVB7/615/612%
38VNM7/630/611%
39PNT7/618/65%
40HCB7/618/610%
41CH57/625/613%
42PTS7/615/68%
43VCA7/622/610%
44PET7/622/610%

Song Ngọc