|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Học giả Trung Quốc nói về Thượng đỉnh Mỹ-Triều, đánh giá cao Việt Nam

20:46 | 26/02/2019
Chia sẻ
Học giả Vương Tuấn Sinh thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định về Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, đồng thời ca ngợi vai trò của Việt Nam.
hoc gia trung quoc noi ve thuong dinh my trieu danh gia cao viet nam Khám phá khách sạn Marriott, nơi ông Trump dự kiến ở tại thượng đỉnh Mỹ - Triều Hà Nội

Kỳ vọng vào Thượng đỉnh Mỹ - Triều, vai trò của Trung Quốc và các bên liên quan trong đàm phán, cũng như những đóng góp của chủ nhà Việt Nam cho Hội nghị là những nội dung được ông Vương Tuấn Sinh, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chiến lược láng giềng và toàn cầu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc chia sẻ với phóng viên Đài TNVN (VOV) thường trú tại Trung Quốc trong cuộc trao đổi ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tổ chức tại Hà Nội.

hoc gia trung quoc noi ve thuong dinh my trieu danh gia cao viet nam
Phóng viên VOV (bìa phải) phỏng vấn ông Vương Tuấn Sinh.

PV:Là chuyên gia về Bán đảo Triều Tiên, ông dự đoán như thế nào về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này?

Học giả Vương Tuấn Sinh: Tôi cho rằng, sự kỳ vọng đối với Hội nghị lần này là khá lạc quan. Bởi dù là Mỹ hay Triều Tiên, thì đều có động lực mong đạt được đột phá trong cuộc gặp thượng đỉnh lần 2. Từ góc độ của Triều Tiên, tháng 4/2018, họ đã có những chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang xây dựng kinh tế và đảm bảo an sinh. Nhưng để thực hiện mục tiêu chiến lược này, ngoài các yếu tố nội tại, Triều Tiên còn cần có môi trường quốc tế hòa bình. Để có được môi trường quốc tế hòa bình, rõ ràng, Triều Tiên cần phải cải thiện quan hệ với Mỹ, xử lý thỏa đáng vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Từ góc độ của Mỹ, đương nhiên, Tổng thống Trump xuất phát từ những tính toán an ninh, bên cạnh các vấn đề chính trị trong nước, họ cũng cần sớm giải quyết việc Triều Tiên có được khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Do vậy, cả Mỹ và Triều Tiên đều muốn đạt được kết quả mang tính đột phá tại Hội nghị lần này.

PV: Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov cho rằng, cơ chế Đàm phán 6 bên vẫn quan trọng, cho dù Triều Tiên và Mỹ đạt được thảo thuận, song khi thực thi nếu không có cơ chế này vẫn khó có thể thực hiện trên thực tế. Ông nghĩ sao về điều này?

Học giả Vương Tuấn Sinh: Những điều Đại sứ Nga tại Trung Quốc là phù hợp với tình hình thực tế. Vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên thâm căn cố đế, hết sức phức tạp. Mặc dù nói vấn đề hạt nhân hay vấn đề an ninh xảy ra từ sau Chiến tranh Lạnh, nhưng nhiều vấn đề vẫn phải quay trở lại thời Chiến tranh Lạnh. Những vấn đề này rất phức tạp, nhưng nếu phân tích, chúng ta có thể chia thành hai loại. Thứ nhất là vấn đề giữa Mỹ và Triều Tiên, cả hai bên đều có những đánh giá sai lệch về chính sách của nhau. Thứ nữa là cục diện Chiến tranh Lạnh trên Bán đảo Triều Tiên. Vậy để giải quyết hai vấn đề này, cần phải làm gì? Đó chính là “cơ chế kép” mà Trung Quốc đưa ra. Cái gọi là “cơ chế kép” tức là một mặt chúng ta giải quyết cục diện Chiến tranh Lạnh, ngoài ra, đồng thời phải giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Nói tới cục diện Chiến tranh Lạnh, tức là nhắc tới 4 bên gồm Trung Quốc, Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc. Nhưng nếu nói đến phi hạt nhân hóa, thì không chỉ là 4 bên, mà còn có cả Nhật và Nga. Nếu tiến trình hòa bình được thúc đẩy tiếp với những tiến triển thực chất, thì để giải quyết những vấn đề cụ thể, cần cùng lúc thúc đẩy hai cơ chế 4 bên và 6 bên.

hoc gia trung quoc noi ve thuong dinh my trieu danh gia cao viet nam

Chân dung ông Vương Tuấn Sinh.

PV: Vậy vai trò của Trung Quốc là gì?

Học giả Vương Tuấn Sinh: Vai trò của Trung Quốc thể hiện qua 3 phương diện. Thứ nhất, đưa ra các kiến nghị và sáng kiến, như “hai tạm ngừng”, “cơ chế kép”. Thứ hai, truyền tải thông điệp giữa các bên. Trước đây khi Triều Tiên và Mỹ khó có thể đối thoại được với nhau, vai trò của Trung Quốc lớn hơn. Mặc dù từ năm ngoái hai bên đã gặp trực tiếp, song vì một vài nguyên nhân, điều kiện để hai bên đối thoại vẫn chưa thực sự tốt, do vậy với quan hệ hữu hảo với cả hai nước, Trung Quốc vẫn có thể chuyển tải thông điệp giữa hai bên. Ví dụ: cuộc gặp giữa Nguyên thủ Trung Quốc và Mỹ hồi tháng 12/2018 tại Arghentina, 1 trong 4 nội dung được hai bên thảo luận là vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Hay tháng 1 năm nay (2019), khi Chủ tịch Kim Jong-un thăm Trung Quốc, hẳn cũng đã có những bày tỏ của Tổng thống Trump được chuyển tới Chủ tịch Kim Jong-un.

Đương nhiên, Trung Quốc còn một vai trò nữa là bảo đảm. Tất nhiên, Triều Tiên và Mỹ không cần sự đảm bảo của bên thứ 3, nhưng rõ ràng có một thực tế là hai bên thiếu sự tin cậy lẫn nhau. Từ năm ngoái (2018), Hàn Quốc muốn lấp khoảng trống này. Tuy nhiên, Trung Quốc cùng tham gia vào, cả hai bên cùng lấp khoảng trống ấy sẽ tốt hơn nếu chỉ có Hàn Quốc.

Xem thêm

Ngoài ra, còn điểm nữa cần chỉ rõ là, vai trò của Trung Quốc còn là đốc thúc Mỹ giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên một cách cân bằng và khách quan hơn.

PV: Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực và vai trò của nước chủ nhà Việt Nam tại Hội nghị lần này?

Học giả Vương Tuấn Sinh: Không nghi ngờ gì, cả thế giới đều dành sự chú ý cho Việt Nam. Bản thân Việt Nam cũng làm rất tốt. Lần này cả thế giới hướng về Việt Nam. Có thể nói, đây là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá hình ảnh của mình. Triều Tiên và Mỹ đều chọn Việt Nam không có gì là bất ngờ, bởi Việt Nam có quan hệ hữu hảo với cả Mỹ và Triều Tiên. Giữa Việt Nam và Mỹ từng xảy ra chiến tranh, sau đó hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và giờ thành đối tác của nhau, đó là mối quan hệ hết sức thành công. Với Triều Tiên, quan hệ với Việt Nam phát triển hữu nghị từ năm 1950 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay.

Chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong-un tới Việt Nam lần này cũng là chuyến thăm chính thức thứ 2 tới thủ đô của một quốc gia và là chuyến công du thứ 5 kể từ khi nắm giữ chức vụ lãnh đạo tối cao của Triều Tiên đến nay. Việc quyết định thăm Việt Nam, đã thể hiện sự coi trọng của Triều Tiên. Do vậy, tôi nghĩ, dù là Mỹ hay Triều Tiên, đều rất xem trọng vai trò của Việt Nam. Những đóng góp của Việt Nam với Hội nghị lần này sẽ được cả thế giới quan tâm./.

Bích Thuận, Đinh Tuấn/VOV-Trung Quốc

PC_Article_AfterShare_1

hoc gia trung quoc noi ve thuong dinh my trieu danh gia cao viet nam

Bích Thuận, Đình Tuấn