|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hoà Phát: PENM III muốn thoái hết vốn vì sắp đến lúc đóng quĩ

12:44 | 25/11/2020
Chia sẻ
Tập đoàn Hoà Phát cho biết việc quĩ PENM III (Đức) đăng kí bán hết 76,5 triệu cổ phiếu HPG là vì sắp đến thời hạn đóng quĩ vào năm 2021.
Hoà Phát: PENM III muốn thoái hết vốn vì sắp đến lúc đóng quĩ - Ảnh 1.

Văn phòng Tập đoàn Hoà Phát tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc.)

Ngày 24/11 vừa qua, Quĩ đầu tư PENM III thuộc công ty PENM Partners đã đăng kí bán toàn bộ 76,5 triệu cổ phiếu Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG).

Theo Hoà Phát, đại diện PENM Partners đã trao đổi với Hội đồng Quản trị của tập đoàn và cho biết cổ phiếu HPG là khoản đầu tư đem lại lợi nhuận tốt nhất cho các quĩ thuộc PENM Partners.

Sở dĩ quĩ PENM III phải đăng kí bán HPG do quĩ này đã hoạt động được 10 năm, sắp đến thời hạn kết thúc quĩ vào năm 2021. "PENM cam kết đầu tư lâu dài vào HPG với các quĩ hiện tại và quĩ mở mới trong tương lại", Hoà Phát cho biết.

PENM Partners đã đầu tư vào cổ phiếu HPG thông qua các quĩ PENM II, PENM III và PENM IV từ năm 2008 đến nay. PENM II đã thoái hết vốn từ vài năm trước, PENM III hiện đang sở hữu 76,5 triệu cổ phiếu HPG, PENM IV sở hữu trên 39 triệu cổ phiếu.

Ông Hans Christian Jacobsen – Giám đốc điều hành của PENM III đồng thời là Thành viên HĐQT của Tập đoàn Hoà Phát.

Hoà Phát: PENM III muốn thoái hết vốn vì sắp đến lúc đóng quĩ - Ảnh 2.

Giai đoạn tháng 10 – tháng 12/2018, quĩ PENM III đã từng hai lần đăng kí bán cổ phiếu HPG, mỗi lần 20 triệu đơn vị, nhưng thực tế chỉ bán tổng cộng 10,9 triệu đơn vị. Vào thời gian đó, nhiều nhà đầu tư lo ngại quĩ lớn đang "tháo chạy" khỏi Hoà Phát do tập đoàn làm ăn không tốt.

Đại diện PENM Partners khi đó cho biết khối lượng đăng kí bán 20 triệu đơn vị là tương đối nhỏ với tổng số lượng cổ phiếu HPG lưu hành. Vị đại diện này cho biết thêm là PENM Partners chỉ bán hết HPG khi đóng quĩ vào năm 2021.

Một quỹ của PENM thường có thời hạn khoảng 7-10 năm. Trước đây khi PENM II đến hạn đóng quĩ và bán ra hết cổ phiếu HPG, ngay lập tức quĩ mới thành lập khi đó là PENM IV đã mua vào.

Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho rằng việc các quĩ ngoại bán ra là hoạt động bình thường, không phải chuyện "tháo chạy" như một số nhà đầu tư lo lắng.

"Quĩ đầu tư có mua cổ phiếu thì phải có lúc bán ra khi đóng quĩ, tôi không buồn bực hay giận dữ vì việc các quĩ bán", Chủ tịch Hoà Phát khẳng định vào cuối năm 2018.

Ông Long cũng nói thêm rằng các nhà đầu tư khác có thể bán nhưng bản thân ông thì chắc chắn không bán, thậm chí ông có ý định mua thêm, có thể là 10 triệu cổ phiếu mỗi lần đăng kí mua.

Thực tế từ cuối năm 2018 đến nay, vợ chồng Chủ tịch Trần Đình Long đã mua hơn 7 triệu cổ phiếu HPG, con trai ông Long đã mua 40 triệu cổ phiếu, công ty của con trai ông Long cũng mua 1,3 triệu đơn vị HPG khác. (Các giao dịch đều được thực hiện trước khi Hoà Phát chia cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 20% hồi tháng 7-8/2020).

Mới đây nhất, ông Trần Đình Long đăng kí mua vào 24 triệu cổ phiếu HPG qua phương thức thoả thuận từ ông Doãn Gia Cường - Phó Chủ tịch HĐQT Hoà Phát.

Dự kiến sau giao dịch, chủ tịch Trần Đình Long và gia đình sẽ nắm giữ gần 1,16 triệu cổ phần Hoà Phát, tương đương 34,95% vốn điều lệ và có giá trị thị trường hơn 41.200 tỉ đồng. 

Phó Chủ tịch Doãn Gia Cường dự kiến sẽ giảm sở hữu tại Hoà Phát từ 65,53 triệu cổ phiếu (1,98%) xuống còn 41,53 triệu cổ phiếu (1,25%), trị giá gần 1.500 tỉ đồng.

Kết phiên giao dịch hôm nay 25/11, giá cổ phiếu HPG mất 5,1% - mức giảm sâu nhất trong chỉ số VN30. Đây cũng là phiên đi xuống đầu tiên của HPG trong 11 phiên trở lại đây. 

Tổng khối lượng giao dịch HPG phiên hôm nay đạt kỉ lục 55,7 triệu đơn vị. Kỉ lục cũ là phiên hôm qua 24/11 với gần 49 triệu đơn vị.

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.