Hòa Phát dự định sản xuất vỏ container, đón sóng cước vận tải biển tăng cao
HRC để sản xuất container
Tập đoàn Hòa Phát mới đây đã tăng tin tuyển dụng nhân sự cho dự án sản xuất vỏ container. Cụ thể, Hòa Phát cần tuyển 4 vị trí là kỹ sư cơ khí, hàn; kỹ sư điện, điện điều khiển; kỹ sư hóa; và kỹ thuật viên sơn. Mỗi vị trí cần tuyển 10 người. Địa điểm làm việc ở Hải Phòng hoặc Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đây đều là hai địa phương giáp biển và có nhiều cảng lớn như cảng Lạch Huyện, Tân Cảng Hải Phòng, cảng Nam Hải Đình Vũ, cảng Đình Vũ, cảng Bà Rịa Vũng Tàu, cảng Cái Mép, …
Ứng viên cần tốt nghiệp đại học các chuyên ngành cơ khí chế tạo, thi công kết cấu, hàn và công nghệ kim loại, sơn, kỹ thuật điện, kỹ thuật hóa học, … Ưu tiên người có kinh nghiệm làm việc tại các cơ sở sản xuất, sửa chữa container.
Hòa Phát dự kiến nhà máy sản xuất container sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên vào quý II/2022 với công suất 500.000 TEU/năm (TEU là đơn vị đo tương đương một container loại 20 feet).
Thép dùng để sản xuất container phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về chịu lực, chống ăn mòn, thời tiết ... Trên các tàu chở hàng cỡ lớn, nhiều khi 10 container được xếp chồng lên nhau, container ở dưới cùng phải chịu được trọng lượng tới khoảng 100 tấn.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) từng cho biết loại thép dùng cho sản xuất container rất chuyên biệt và khó kiếm, nên không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Việc sản xuất container sẽ giúp Hòa Phát tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), qua đó cải thiện biên lợi nhuận của công ty. Dự kiến mỗi năm, nhà máy container của Hòa Phát sẽ sử dụng khoảng 1 triệu tấn HRC.
Trong tháng 1 vừa qua, Hòa Phát cho ra lò 189.000 tấn HRC, tiêu thụ trên 252.000 tấn (do tồn kho từ các tháng trước cũng được mang ra bán), còn tồn kho cuối tháng 1 là gần 47.000 tấn. Cả năm 2021, Hòa Phát dự kiến sản xuất 2,7 triệu tấn HRC, cao gấp 4 lần năm ngoái.
Thiếu container, cước vận tải biển tăng vọt
Thế giới hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vỏ container rỗng, dẫn tới giá thuê container nói riêng và giá cước vận tải biển nói chung tăng vọt. Nhiều nước không có container để phục vụ xuất khẩu, hàng hóa bị bỏ phí.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021, giá cước tàu đi EU cảng chính tăng 145%, từ 2.850 lên 7.000 USD/container, một số hãng còn tăng 275%, từ 2.800 lên 10.550 USD/container.
Theo CNBC, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trên thế giới chấp nhận trả giá cao nhưng cũng phải chờ nhiều tuần mới có container để sử dụng. Ông Mark Yeager - CEO công ty giao vận Redwood Logistics cho biết: So với mức đáy hồi tháng 3/2020, cước vận chuyển từ Trung Quốc đi Mỹ và châu Âu vào tháng 1/2021 đã tăng 300%.
Chỉ tính tại các cảng Los Angeles, Long Beach, New York và New Jersey, doanh nghiệp Mỹ thiếu 177.938 container loại 20 feet, tương đương với 632 triệu USD hàng nông sản không được xuất khẩu. Các doanh nghiệp ở Đức, Áo, Hungary cũng đang gặp phải cuộc khủng hoảng thiếu container tương tự.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/