|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hiệp hội TMĐT ‘xin’ hợp nhất với Hiệp hội bán lẻ Việt Nam

14:10 | 08/12/2016
Chia sẻ
"Khi bán hàng đa kênh phổ biến, kinh doanh trực tuyến trong bán lẻ là tất yếu. Tôi xin sáp nhập Hiệp hội TMĐT vào Hiệp hội bán lẻ", Chủ tịch Hiệp hội TMĐT nói.

Tại Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2016 diễn ra sáng ngày 8/12, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam – Vecom cho rằng hợp nhất hai hiệp hội sẽ là tất yếu trong xu thế phát triển kinh doanh TMĐT trong bán lẻ hiện nay.

Theo ông, bán hàng đa kênh, xu hướng tất yếu được dự đoán trước đó, nay đã thành hiện thực. Các doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước như FPT, Hapro, Vingroup, Viettel… đều đang tận dụng các yếu tố mới vào hoạt động kinh doanh TMĐT của mình như công nghệ di dộng, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và Internet vạn vật. Ranh giới của kinh doanh TMĐT trong bán lẻ sẽ dần bị xóa nhòa.

chu tich hiep hoi tmdt xin hop nhat voi hiep hoi ban le viet nam
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, bán hàng đa kênh đang là xu hướng kinh doanh toàn cầu, vì thế ranh giới của kinh doanh TMĐT trong bán lẻ sẽ dần bị xóa nhòa (Ảnh: Linh Lê)

Đồng tình với quan điểm đó, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đưa ví dụ, “ông lớn” TMĐT Amazon nay đã có các cửa hàng thực, trong khi hệ thống Walmart lại bắt đầu đầu tư cho bán hàng trực tuyến.

“Bán lẻ kiểu thuần túy đơn kênh, chỉ bán tại cửa hàng hoặc chỉ bán trực tuyến sẽ dần biến mất và con đường rộng mở cho bán hàng đa kênh”, bà Loan khẳng định.

Không chỉ xin sáp nhập, đại diện cả hai Hiệp hội TMĐT và bán lẻ cùng thống nhất dự kiến sẽ đề xuất Bộ Công Thương thành lập một ngày mua sắm toàn quốc với những khuyến mãi lớn ở cả hai hình thức mua sắm onl – off.

Cũng theo Chủ tịch Vecom, doanh thu TMĐT trong toàn ngành bán lẻ tại các thị trường phát triển như Mỹ, Đức khoảng 5%, trong khi con số này ở Trung Quốc là 9 – 10%, còn tại Việt Nam chỉ khoảng 3%. Châu Á được nhận định là khu vực có tốc độ phát triển TMĐT mạnh nhất thế giới nên tiềm năng của lĩnh vực này ở Việt Nam rất lớn.

Nghiên cứu của Vecom cho biết, Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6%/năm; Tốc độ phát triển Internet trên 50%; Doanh thu tiếp thị trực tuyến tăng từ 26 – gần 330 triệu USD trong giai đoạn 2010 – 2015. Dự tính năm 2020, doanh thu tiếp thị trực tuyến sẽ đạt 1,8 tỷ USD, tăng gấp 5,5 lần năm 2015...

Tuy nhiên, 80% người mua sắm trực tuyến Việt Nam vẫn có thói quen đặt hàng qua mạng, nhận hàng rồi mới giao tiền mặt. Hình thức thanh toán này gây khó khăn rất lớn cho việc mở rộng và hoàn thiện hoạt động kinh doanh TMĐT.

Mới đây, doanh thu của Online Friday 2016 được công bố gấp đôi năm trước, nhưng con số này chỉ là phần phía sau dấu phẩy của doanh thu ngày Black Friday tại Mỹ, ông Hưng thẳng thắn.

Dẫn theo kế hoạch của Chính phủ, ông nói: “Nếu giữ vững tốc độ tăng trưởng TMĐT hiện tại, trên 20%/năm, thì đến năm 2020 doanh thu từ lĩnh vực này (bao gồm cả mô hình B2B và B2C) sẽ đạt 10 tỷ USD. Việt Nam sẽ lọt top 20 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới”.

Đại diện Vecom nhận định, đặc điểm nổi bật của TMĐT Việt Nam là xuất phát điểm thấp nhưng có tốc độ phát triển rất nhanh. TMĐT Việt xuất hiện từ năm 1997, đến nay trải qua 3 giai đoạn hình thành, phổ biến và phát triển nhanh. Các doanh nghiệp tiên phong nay hầu như không còn. Điều đó cho thấy trong lĩnh vực này, tỷ phú sẽ dễ dàng xuất hiện nhưng khả năng biến mất còn dễ hơn.

Linh Lê