|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Anh sẽ kết thúc đàm phán vào 11/12

16:57 | 09/12/2020
Chia sẻ
Lễ kí kết Biên bản Kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương Quốc Anh (UKVFTA) dự kiến sẽ diễn ra vào chiều ngày 11/12 tại Hà Nội.

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết lễ kí kết Biên bản Kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương Quốc Anh (UKVFTA) dự kiến sẽ diễn ra vào chiều ngày 11/12 tại Hà Nội.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên việc đi đến thỏa thuận và kí kết UKVFTA có ý nghĩa vô cùng to lớn và thiết thực với ba lí do cơ bản.

Thứ nhất, đó là một nhu cầu hoạt động cần thiết cho cả hai quốc gia. Brexit có nghĩa là Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam, đã có hiệu lực vào ngày 1/8 vừa qua sẽ không còn áp dụng đối với Vương quốc Anh sau ngày 31/12/2020. 

Thứ hai, cả Vương quốc Anh và Việt Nam đều mong muốn hoàn tất thỏa thuận này càng sớm càng tốt để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau COVID-19. 

Thứ ba, các điều khoản của FTA Việt - Anh năm 2020 phần lớn sẽ giống với FTA Việt Nam - EU, nghĩa là hai nước không cần phải tiến hành một thập kỉ đàm phán.

Trong những năm gần đây, Anh cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu (sau Đức và Hà Lan). Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kết thúc năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh đạt 6,6 tỉ USD. 

Tuy nhiên, sản phẩm “made in Vietnam” được tiêu dùng tại Anh lớn hơn rất nhiều số liệu thống kê vì có một số lượng đáng kể hàng hóa Việt Nam được nhập qua các hải cảng lớn tại Hà Lan, Bỉ, Đức, Pháp và Séc trước khi vào Anh.

Bên cạnh đó, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam so với Anh mang tính chất bổ sung thay vì cạnh tranh, cụ thể, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu mặt hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản… và nhập khẩu từ Anh các mặt hàng như dược phẩm, máy móc thiết bị. 

Vụ Chính sách thương mại đa biên nhận định điều này cho thấy trao đổi thương mại giữa hai quốc gia trong thời gian tới còn nhiều dư địa phát triển.

Thời gian gần đây, dịch COVID 19 đã bộc lộ những nứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, điều đó đòi hỏi sự tái cơ cấu để đảm bảo giảm thiểu rủi ro do những điều kiện bất lợi như dịch bệnh mang lại. 

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Anh đạt 4,7 tỉ USD, giảm khoảng 15%. Việt Nam xuất khẩu sang UK hơn 4,1 tỉ USD giảm 14,19% so với cùng năm ngoái. 

Nhu cầu thị trường UK giảm mạnh nhất là đối với các sản phẩm không thiết yếu như đồ gỗ, đồ may mặc, giày dép, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí nội thất, đồ dùng du lịch, phương tiện vận tải và phụ tùng.

"Dự báo xu hướng giảm này sẽ còn tiếp tục cho đến khi dịch bệnh kết thúc do tâm lí lo lắng của người tiêu dùng và số lượng người thất nghiệp tăng. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu của Việt Nam sang UK giảm đáng kể trong 10 tháng đầu năm 2020", Vụ Chính sách thương mại đa biên cho hay.

Tuy nhiên, ngoài những sản phẩm có nhu cầu giảm nêu trên thì nhu cầu nông sản thực phẩm, sản phẩm điện tử (máy tính, thiết bị internet), đồ vệ sinh, đồ bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế (máy thở, máy lọc máu), dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ bệnh viện (găng tay nitrate, khẩu trang, quần áo cho nhân viên y tế và bệnh nhân) lại gia tăng.

Do xu hướng giảm chung của toàn thế giới, trong 10 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu từ Anh sang Việt Nam đạt 562 triệu USD, giảm 19,72% so với cùng năm ngoái. 

Bên cạnh những mặt hàng giảm mạnh do nhu cầu trong nước giảm, các mặt hàng nguyên liệu phụ trợ (thức ăn gia súc và nguyên liệu; điện thoại các loại và linh kiện; hóa chất) cho sản xuất nông sản thực phẩm; thiết bị điện tử; đồ vệ sinh, y tế lại tăng mạnh để phục vụ nhu cầu sản xuất xuất khẩu trong nước đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.

Như Huỳnh