|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

HDBank đạt lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay

11:17 | 07/02/2017
Chia sẻ
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank) vừa công bố kết quả kinh doanh cơ bản năm 2016. Một lần nữa, HDBank tạo hiện tượng về tốc độ tăng trưởng.
Đến cuối 2016, tổng tài sản HDBank đã tăng gấp đôi sau sáp nhập, đạt trên 152.000 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2016, ngân hàng này đạt tổng lợi nhuận trước thuế 1.282 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay, với tốc độ tăng trưởng lên tới gần 63% so với năm trước.

Kết quả lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng cũng tăng trưởng rất cao, tới 66%, đạt 833 tỷ đồng.

Với kết quả trên, HDBank có năm thứ ba liên tiếp đạt lợi nhuận khả quan, cùng tốc độ tăng trưởng cao so với nhiều thành viên khác trong hệ thống. Đó cũng là ba năm sau khi ngân hàng này tiến hành tái cơ cấu, lần lượt sáp nhập Ngân hàng Đại Á (DaiABank) và mua lại Công ty Tài chính Việt SVGF.

Theo đó, đến thời điểm này, đây là trường hợp tái cơ cấu có kết quả nhanh nhất, thành công nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Bởi lẽ, trong hệ thống đã có một số trường hợp tự tái cơ cấu, hoặc qua sáp nhập, hợp nhất thành công, song đến nay HDBank là trường hợp duy nhất có tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu nói chung, lợi nhuận nói riêng cao như trên, và rất cụ thể ở “chứng chỉ” được chi trả cổ tức (sau 5 năm tái cơ cấu, nhiều trường hợp vẫn chưa được chi trả dù vẫn báo lãi, hoặc chỉ được trả ở mức thấp).

Ngay một năm sau khi tiến hành sáp nhập DaiABank, HDBank đã được Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước rà soát và cho phép chi trả cổ tức, theo kết quả và tình hình kinh doanh đến hết 2014, ở mức 5%. Với kết quả năm 2015 tiếp theo, mức cổ tức được chi trả đã lên tới 10% bằng tiền mặt.

Như trên, trong quá trình tái cơ cấu hệ thống cũng như chính sách giám sát của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2012 trở lại đây, cổ tức ngân hàng được xem như một “chứng chỉ” về chất lượng hoạt động và tình hình tài chính. Ngân hàng phải có lãi thực, kiểm soát và xử lý được nợ xấu thực chất, trích lập đúng và đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định, sau khi tra soát thì mới được chi trả cổ tức; mức độ chi trả cũng được Ngân hàng Nhà nước xem xét kỹ.

Với kết quả trên, năm 2017, dự kiến HDBank sẽ tiếp tục là một trong những ngân hàng tạo lợi ích tốt nhất cho cổ đông, theo chỉ tiêu nói trên.

Vì sao HDBank nhanh chóng hái quả ngọt ngay những năm đầu sau tái cơ cấu?

Tựu trung nhất, ngân hàng này đã chủ động đi trước một bước so với nhiều ngân hàng khác, và đó là những bước đi quyết định.

Đến cuối 2012, đây vẫn là một ngân hàng nhỏ. Quy mô tổng tài sản chỉ ở mức 52.783 tỷ đồng, đặc biệt tổng dư nợ chỉ chưa đầy 25.000 tỷ đồng. 2012 cũng là thời điểm sự phân biệt “ngân hàng lớn”, “ngân hàng nhỏ” trở nên gay gắt và ồn ào trong bối cảnh khởi đầu quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Không phải là trường hợp đầu tiên, nhưng HDBank đã nhanh chóng nắm cơ hội, sáp nhập thành công DaiABank - một trong những ngân hàng nhỏ nhưng tình hình tài chính khá tốt tại thời điểm đó.

Qua sáp nhập, HDBank trở thành một thành viên tầm trung, với quy mô tổng tài sản khoảng 70.000 tỷ đồng. Quan trọng hơn, họ nắm ngay được cơ hội mở rộng mạng lưới kinh doanh tới 220 điểm - điều mà đến tận nay không ngân hàng nào có thể mở rộng được nếu không qua sáp nhập (do Ngân hàng Nhà nước siết chặt lại việc cấp phép mở mới chi nhánh nói chung).

Quy mô sau sáp nhập tiếp tục gia tăng nhanh những năm sau. HDBank đã thuộc tốp những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam. Đến cuối 2016, tổng tài sản đã tăng gấp đôi sau sáp nhập, đạt trên 152.000 tỷ đồng. Và dĩ nhiên, để có được “chứng chỉ” cổ tức nói trên, nợ xấu phải kiểm soát được mức thấp, và cuối 2016 ở mức 1,65%.

Sau khi nhanh chóng tìm và sáp nhập được ngân hàng tốt, HDBank tiếp tục là một trong những ngân hàng đầu tiên thiết lập hướng đi chiến lược, đã đi trước một bước, để rồi quả ngọt bắt đầu thể hiện rõ trong ba năm gần đây.

Năm 2016 rồi sang 2017, nhiều ngân hàng thương mại mới bắt đầu thực sự tham gia thị trường tài chính tiêu dùng bằng các công ty trực thuộc và chuyên biệt. Còn HDBank, từ hơn ba năm trước, hướng đi này đã nhanh chóng định hình.

Sau khi mua lại công ty tài chính 100% vốn của nước ngoài, HDBank cũng đã đi trước một bước so với xu hướng, tìm và liên kết với đối tác nước ngoài (Nhật Bản) để đẩy mạnh công ty tài chính tiêu dùng, với thương hiệu HD Saison hiện nay với hơn 6.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên cả nước.

Cũng khá nhanh, liên tiếp trong các năm 2014, 2015 và 2016, hướng đi chiến lược trên đã được cụ thể hóa bằng những con số lợi nhuận ấn tượng. Năm 2014, công ty tài chính đã mang về cho HDBank 175 tỷ đồng lợi nhuận, năm 2015 gia tăng lên hơn 280 tỷ đồng và năm 2016 vừa qua tăng mạnh lên hơn 440 tỷ đồng.

Tiếp đà những thành công trên, năm 2017, HDBank tiếp tục đặt những bước tiến xa hơn, hiệu quả hơn ở các chỉ tiêu: nâng tổng tài sản lên 193.304 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 123.491 tỷ đồng, lợi nhuận ở mức 1.643 tỷ đồng và đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 1,5%.

Minh Đức

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.