Hậu thâu tóm một loạt doanh nghiệp, SCG đang 'hái quả ngọt' ở Việt Nam
Ông Roongrote Rangiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn SCG. Ảnh: SCG
Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan vừa công bố về kết quả kinh doanh trước kiểm toán của tập đoàn trong Quý II/2017. Theo đó, tập đoàn đạt doanh thu 3,17 tỷ USD, tương đương so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận trong kỳ đạt 386 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước và giảm 24% so với quý trước, chủ yếu do lỗ hàng tồn kho, chi phí nguyên liệu đầu vào cao, sự cạnh tranh mạnh mẽ và sự đình trệ trên thị trường nội địa ở mảng xi măng-vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận của SCG đạt 883 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, nhờ kết quả hoạt động kinh doanh quý I và doanh thu bán hàng tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 6,48 tỷ USD.
Doanh thu xuất khẩu trong nửa đầu năm 2017 chiếm 27% doanh thu bán hàng hợp nhất của SCG, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,75 tỷ USD, chủ yếu từ hoạt động xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc và Nam Á.
Tính đến cuối tháng 6/2017, tổng tài sản của SCG đạt 16,25 tỷ USD, trong đó khu vực ASEAN (không bao gồm Thái Lan) chiếm 25% tương đương 4,05 tỷ USD.
Tại thị trường Việt Nam, doanh thu của SCG từ hoạt động bán hàng trong Quý 2/2017 đạt 6.613 tỷ đồng (tương đương 289 triệu USD), bao gồm cả doanh thu từ sản xuất trong nước và nhập khẩu từ Thái Lan, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu từ kinh doanh bao bì.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu bán hàng thị trường Việt Nam của SCG đạt 12.300 tỷ đồng (532 triệu đô la Mỹ), tăng 17% so với năm trước.
Như vậy, doanh thu tại Việt Nam chiếm 8,2% của toàn tập đoàn và 35% của tập đoàn tại ASEAN.
Tuy vậy, SCG không cho biết lợi nhuận và tổng tài sản hiện nay của Tập đoàn ở Việt Nam.
Ông Roongrote Rangiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn SCG cho biết, tập đoàn mới thông qua khoản đầu tư vào Công ty TNHH Hóa Dầu Long Sơn (LSP). Đây là dự án liên doanh cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), với tổng giá trị đầu tư lên đến 5,4 tỉ USD, trong đó SCG đóng góp 71% cổ phần.
Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng trong bốn năm rưỡi và bắt đầu hoạt động thương mại vào khoảng nửa đầu năm 2022.
SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992 và dần mở rộng đầu tư đa ngành, bao gồm các lĩnh vực xi măng – vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì.
Tờ The Nation đưa tin tháng 1/2016 cho biết, SCG đã đầu tư 700 triệu USD vào Việt Nam kể từ năm 1992, và đang có kế hoạch tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, đặc biệt là trong mảng xi măng và hóa dầu đầu dòng.
Hiện nay, tại Việt Nam, SCG có 23 công ty đang hoạt động kinh doanh, và phần nhiều trong số đó được thực hiện thông qua thâu tóm và sáp nhập (M&A).
Thương vụ M&A mới nhất của SCG tại Việt Nam diễn ra đầu năm nay khi Công ty TNHH SCG Xi măng - Vật liệu xây dựng, công ty thành viên của SCG, đã mua lại 100% vốn cổ phần (tương đương 156 triệu USD) tại CTCP Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM).
Tháng 12/2012, SCG đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần của Prime Group với giá khoảng 240 triệu USD. Năm 2011, SCG cũng đã mua lại Xi măng Bửu Long tại Đồng Nai và đầu tư thêm 5,5 triệu USD để nâng công suất lên 200.000 tấn/năm.
Trong mảng bao bì, SCG đã mua lại 80% cổ phần của công ty cổ phần Bao bì Tín Thành (Batico), một trong những doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa mềm phức hợp lớn tại Việt Nam.