Hậu đổi tên, PGBank đặt mục tiêu tăng vốn thêm 67%, lợi nhuận tăng 58% trong năm 2024
Mục tiêu lợi nhuận tăng 58%, vốn điều lệ tăng 67%
Ngày 20/4, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã: PGB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 tại Ninh Bình với nhiều vấn đề quan trọng được trình tới các cổ đông như kế hoạch kinh doanh năm 2024, tăng vốn điều lệ, nhân sự, ...
Theo đó, năm 2024, ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 554 tỷ đồng, tăng gần 58% so với kết quả thực hiện năm 2023. Tổng thu thuần của PGBank được kỳ vọng ở mức 2.086 tỷ đồng, tăng gần 49,7% so với thực hiện năm 2023, trong khi chi phí hoạt động và dự phòng được dự báo sẽ tăng thêm 46,9%, lên 1.532 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu kế hoạch khác gồm: tổng tài sản tăng lên 63.503 tỷ đồng, cao hơn 14% so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng dự báo sẽ tăng 12,9% lên 40.476 tỷ đồng, trong khi tổng huy động dự kiến đạt 56.530 tỷ đồng, tăng 13,5%.
Đại hội cũng đã thông qua nội dung dự kiến tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên mức 5.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 66,67%, thời gian hoàn thành tăng vốn Điều lệ dự kiến trong năm 2024. Hiện PGBank đã thực hiện xong cấu phần thứ nhất trong kế hoạch tăng vốn là phát hành 120 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng là 4.200 tỷ đồng.
PG Bank sẽ tiếp tục triển khai phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ thêm 800 tỷ đồng tại Phương án tăng vốn Điều lệ 2023.
Do có sự thay đổi trong vốn chủ sở hữu, ngân hàng đã điều chỉnh tỷ lệ thực hiện quyền thành 21:4 (tức mỗi cổ phiếu tại thời điểm chốt danh sách sẽ nhận một quyền mua, 21 quyền mua sẽ được mua 4 cổ phiếu mới).
Ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá năm 2024 sẽ là năm bản lề để PGBank thực hiện kế hoạch tái cơ cấu, chuyển đổi trong mọi mặt hoạt động sau bước chuyển mình quan trọng của PGBank được ghi dấu bởi sự kiện thay đổi tên gọi và nhận diện thương hiệu vào cuối năm 2023.
Năm 2024, PGBank xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trong tâm để đảm bảo hoạt động và tăng hiệu quả. Giải pháp mà PGBank sẽ thực hiện để kiểm soát và xử lý nợ xấu đó là đánh giá từng khoản nợ để đưa ra phương án xử lý hiệu quả đối với từng khoản nợ, tăng trưởng quy mô để giảm tỷ lệ nợ xấu năm 2024.
Một số sản phẩm được PGBank đặt làm trọng tâm trong năm là sản phẩm may đo cho từng khách hàng cá nhân thuộc các đối tác chiến lược dựa trên am hiểu đối tác, thế mạnh về dữ liệu, quan hệ đối tác (ví dụ: Thẻ liên kết (tương tự dòng thẻ F-Card đặc trưng của PGBank; Chính sách trả lương, lãi suất, dịch vụ đặc quyền cho các đối tác chiến lược).
Liên tiếp biến động thượng tầng
PGBank là một trong những ngân hàng có sự biến động nhân sự cấp cao dồn dập trong thời gian vừa qua đặc biệt sau khi cổ đông lớn Petrolimex thoái vốn. Ba cổ đông lớn thay thế Petrolimex là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh; Công ty Cổ phần Quốc tế Cường Phát; Công ty Cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức. Mỗi doanh nghiệp sở hữu hơn 13% vốn cổ phần của ngân hàng.
Hậu thoái vốn của Petrolimex, PG Bank đã có loạt thay đổi ở dàn lãnh đạo cấp cao từ Chủ tịch cho đến Tổng Giám đốc, Trưởng ban kiểm soát.
Tháng 10/2023, Đại hội cổ đông bất thường của PG Bank cũng đã bầu bổ sung 5 thành viên hội đồng quản trị và 2 thành viên ban kiểm soát.
Gần đây nhất, ngay trước thềm đại hội, Tổng Giám đốc PG Bank Đinh Thị Huyền Thanh, đã có đơn xin từ nhiệm khỏi vị trí Tổng Giám đốc (từ ngày 25/4) và thành viên HĐQT vì lý do cá nhân.
Bà Thanh được bầu làm thành viên HĐQT kiêm Quyền Tổng Giám đốc PGBank từ tháng 10/2023. Ngày 15/11/2023 bà Thanh chính thức được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc của PGBank.
Cách đây vài ngày, ông Nguyễn Thành Tô - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Khối Cân đối và Kinh doanh Nguồn vốn đã có đơn xin từ nhiệm kể từ ngày 21/5 sau gần 15 năm công tác. Ông Tô cũng xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Cùng ngày, ông Nguyễn Thành Lâm - thành viên HĐQT độc lập cũng có đơn xin rời HĐQT.
Lợi nhuận giảm 24% trong quý I
Trong năm 2023, lợi nhuận của PG Bank đã chậm lại đáng kể từ quý III và là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính với khoản lỗ 4,6 tỷ đồng trong quý IV. Lũy kế cả năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đã giảm 22,8%, kéo theo lãi trước thuế giảm 29,7%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy yếu trong những mảng kinh doanh ngoài lãi như dịch vụ, ngoại hối, chứng khoán và thu nhập khác.
Theo giải trình của PG Bank, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý IV suy giảm là do giảm lãi suất cho vay khách hàng theo chủ trương của Chính phủ trong khi chi phí huy động chưa giảm do có độ trễ và tăng trưởng tín dụng tập trung vào tháng cuối năm 2023.
Ngoài ra, PG Bank đã chi trả thù lao cho công tác viên giới thiệu khách hàng vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, khiến chi phí hoạt động dịch vụ tăng. Theo thuyết minh trong báo cáo tài chính, chi phí từ hoạt động dịch vụ của PG Bank vào năm 2023 đã tăng hơn 68%, lên 64,6 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí hoa hồng, môi giới (từ 4,1 tỷ đồng vào năm 2022 lên 28,7 tỷ đồng trong năm 2023).
Mới đây nhất, PG Bank vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 116 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế là 92,8 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sụt giảm lãi thuần từ các mảng phi tín dụng và chi phí hoạt động tăng 17% khi số nhân viên bình quân của ngân hàng tăng 13% so với cùng kỳ.