Hàng ngàn hộ dân nợ tiền đất tái định cư mong chờ quyết định của Chính phủ
TP Đà Nẵng có hàng ngàn người dân nợ tiền đất TĐC phải trả nợ cao gấp 3 - 4 lần so với nợ gốc. Ảnh: NP
Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tại các quận, huyện ở Đà Nẵng vừa qua, nhiều cử tri lên tiếng về việc UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định 06/2019/QĐ-UBND ngày 31/1/2019 về điều chỉnh giá đất khiến hàng ngàn người dân nợ tiền đất TĐC phải trả nợ cao hơn gấp 3 - 4 lần so với khoản nợ gốc trước đó.
Theo số liệu thống kê, hiện toàn TP có gần 7.000 hộ dân thuộc diện này, trong đó, có khoảng 5.300 hộ thuộc diện nợ tiền đất TĐC đã quá hạn 5 năm, có trường hợp nợ từ vài trăm triệu đồng lên đến vài tỷ đồng sau khi áp theo giá đất điều chỉnh mới của TP.
Ông Phan Năm (quận Thanh Khê) cho biết, nếu theo giá đất cũ gia đình ông phải đóng tiền sử dụng đất khoảng 170 triệu đồng, nhưng theo giá mới thì ông phải đóng gần 1 tỷ đồng. Đây là số tiền quá khủng khiếp, ông không thể nào trả nổi nếu không bán nhà.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, việc UBND TP ban hành Quyết định 06 liệu có hợp tình, hợp lý hay chưa khi Quyết định này ra đời vào ngày 31/1/2019 (tức 26 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi) và có hiệu lực thi hành vào ngày 11/2/2019 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi)?
"Sau ngày 26 Tết thử hỏi còn ai làm việc để dân chúng tôi đi đóng tiền. Ngày 11/2/2019 (mùng 7 Tết), quyết định có hiệu lực làm chúng tôi trở tay không kịp..." - nhiều hộ dân thắc mắc.
Trước những phản ánh của cử tri, Đại biểu Quốc hội - Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa cho biết, quy trình ban hành văn quy phạm pháp luật Quyết định 06/2019/QĐ-UBND là đúng pháp luật.
Theo đó, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến nhiều bên liên quan rồi gửi sang Sở Tư pháp để thẩm định tính hợp pháp, khả thi, có Hội đồng thẩm định giá...
"Thực tế vì sao thắc mắc giá đất cao, là vì TP Đà Nẵng trong quá trình thời gian dài giá đất đã biến động rất nhiều lần nhưng hầu như các cơ quan chức năng không điều chỉnh. Năm 2018, là năm điều chỉnh mạnh nhất. Trước đây, TP chỉ điều chỉnh theo hệ số giá đất. Theo quy định nếu hệ số điều chỉnh giá đất vượt quá 200% thì phải sửa đổi bảng giá đất. Chúng ta thấy giá đất ở Đà Nẵng tăng rất nhiều nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường. Ví như, đường Lê Duẩn có giá đất cao nhất là 98,8 triệu đồng nhưng giá thị trường gấp 2 - 3 lần"- bà Hoa phân tích.
Bà Hoa cũng nhìn nhận rằng, khi triển khai quyết định vào thực tế đã vướng phải một số khúc mắc. Trong đó, có trường hợp một số hộ giải tỏa. UBND TP đã có kiến nghị với Chính phủ vì trong quá trình các hộ giải tỏa được bố trí TĐC thì chưa làm giấy tờ. Khi đi làm thủ tục giấy tờ thì giá đất tăng cao mà thời hạn nợ cũng đã hết. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến giao Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét vấn đề này.
Nói về thời gian ban hành Quyết định 06/2019/QĐ-UBND, bà Hoa thừa nhận là hơi cập rập. Theo quy định, khi Chủ tịch UBND TP ban hành quyết định thì 10 ngày sau văn bản sẽ có hiệu lực, nhưng rơi vào dịp nghỉ Tết khiến người dân không kịp chuẩn bị để nộp tiền nợ đất TĐC. Đó là vấn đề nảy sinh mà UBND TP đã thấy và nghiên cứu thêm, xem xét giải quyết vướng mắc cho người dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ gia đình khi thấy giá đất tăng cao, vì sợ sẽ tăng thêm nữa nên đã bán nhà để trả nợ tiền đất, số tiền còn lại họ tìm mua những lô đất, căn nhà có giá trị thấp hơn ở vùng ven để ổn định cuộc sống. Có không ít gia đình sau khi bán nhà, nộp tiền đất xong thì số tiền còn lại không đủ để mua được một căn nhà nhỏ, đành phải đi ở nhà thuê...
Đối với các hộ bị giải tỏa và nợ tiền đất quá hạn 5 năm, UBND TP đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan từ lâu và Bộ Tài chính đã trả lời: “Trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị UBND TP Đà Nẵng thực hiện việc thu nợ tiền đất TĐC theo đúng quy định tại Nghị định 45/2014 của Chính phủ”.
Như vậy, hàng ngàn hộ dân nợ tiền đất TĐC ở Đà Nẵng đang mong chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để họ có điều kiện sớm hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước trên mảnh đất mà mình đang sử dụng.