|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hàng loạt công trình 'khủng' trái phép, chính quyền ở đâu?

14:53 | 09/11/2019
Chia sẻ
Tại Đồng Nai, chỉ trong thời gian ngắn, đã phát hiện hàng loạt công trình “khủng” với qui mô hàng trăm tỉ đồng vi phạm trật tự xây dựng.

Những công trình “khủng” vi phạm pháp luật

Vụ sai phạm tại dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp (phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa) vẫn chưa hết xôn xao dư luận ở Đồng Nai. 

Một công trình có diện tích hơn 22.000 m2 với tổng vốn đầu tư gần 680 tỉ đồng nhưng không có giấy phép và xây dựng trên đất công.

Công trình nằm ở khu “đất vàng” của TP. Biên Hòa, được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai giao cho Công ty Cổ phần Xây dựng Dân dụng Công nghiệp số 1 Đồng Nai sử dụng vào mục đích làm văn phòng và nhà xưởng sản xuất. 

Là đất công, mục đích sử dụng là “văn phòng và nhà xưởng sản xuất”, nhưng năm 2016, đã được triển khai xây dựng khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp.

Hàng loạt những sai phạm ở công trình này đã được Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đồng Nai chỉ ra. 

Đó là, khu đất chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất; vị trí thửa đất chỉ phù hợp một phần mục tiêu đầu tư thương mại, không phù hợp để xây dựng căn hộ cao cấp; dự án cũng không nằm trong kế hoạch sử dụng đất của TP. Biên Hòa đã được phê duyệt.

Hàng loạt công trình 'khủng' trái phép, chính quyền ở đâu? - Ảnh 1.

Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp nằm ở vị trí "đất vàng" ở Biên Hòa nhưng trái phép và xây dựng trên đất công.

Thừa nhận hồ sơ pháp lý dự án chưa hoàn thành, nhưng đại diện chủ đầu tư - ông Nguyễn Sơn Đằng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Dân dụng Công nghiệp số 1 Đồng Nai khẳng định, dù chưa chuyển mục đích sử dụng đất nhưng hồ sơ vẫn đủ điều kiện để Sở Xây dựng Đồng Nai cấp phép (!?) Còn giấy phép như thế nào thì ông Đằng không cung cấp.

Sai phạm là rõ ràng, nhưng ông Đằng tự tin cho rằng, nếu bị cưỡng chế tháo dỡ công trình, thì rồi sẽ xây lại y như cũ

“Đúng ra công trình này là TP. Biên Hòa cưỡng chế, nhưng bây giờ phù hợp quy hoạch, xây đúng theo quy hoạch của tỉnh duyệt. Nếu đập đi thì xây dựng lại cũng y như vậy, rất lãng phí”, ông Nguyễn Sơn Đằng nói.

Vụ việc ở dự án phức hợp thương mại, căn hộ cao cấp của Công ty Cổ phần Xây dựng Dân dụng Công nghiệp số 1 Đồng Nai chưa lắng xuống thì thêm một công trình trái phép quy mô lớn khác bị phát hiện.

Tháng 8/2018, Trung tâm Dạy nghề lái xe ô tô Sài Gòn đã tiến hành thi công xây dựng nhiều hạng mục công trình phục vụ dạy nghề lái xe ô tô tại khu phố Thiên Bình, phường Tam Phước, TP. Biên Hòa nhưng bị “tuýt còi”. Chính quyền lập biên bản đình chỉ thi công và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Công ty tiến hành làm sơ xin cấp giấy phép xây dựng.

Thế nhưng, khi hồ sơ chưa xong, giấy phép vẫn chưa có thì đến đầu năm 2019, công trình này gần như đã được xây dựng hoàn chỉnh. Vậy là một trung tâm sát hạch lái xe diện tích hơn 10.000 m2, tường rào khép kín, có bảo vệ, sẵn sàng đi vào hoạt động.

Sau đó, chủ đầu tư đã bị UBND TP. Biên Hòa xử phạt vi phạm hành chính 7 triệu đồng về hành vi “chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép trên diện tích khoảng 10.600 m2”. 

TP. Biên Hòa cũng ban hành quyết định về việc cưỡng chế và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu trước khi vi phạm.

 Thượng tôn pháp luật, không thể “hợp thức hóa” sai phạm

Những vụ việc trên chỉ là 2 trong số rất nhiều những vụ vi phạm trật tự xây dựng ở Đồng Nai. Có những vụ nhỏ như nhà dân xây trái phép, nhưng có những công trình, dự án quy mô lớn từ biệt thự, trường học, trung tâm thương mại, khu dân cư cho đến cả… cụm công nghiệp cũng trái phép. (Như Cụm công nghiệp Phước Tân 72ha xây trên đất rừng phòng hộ đã phát hiện hơn 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong.

Người dân đặt câu hỏi, chính quyền, ngành chức năng ở đâu khi để sai phạm tràn lan, để lúc phát hiện thì “sự đã rồi”? Ông Trần Quang Đạt, một người dân ở Đồng Nai cho rằng, không thể nói chính quyền không biết, bởi chỉ một căn nhà của người dân xây trái phép thì chính quyền đã biết và tới can thiệp.

Nhưng những công trình “khủng” mọc lên giữa lòng thành phố, ai cũng đi qua, ai cũng nhìn thấy mà cũng trái phép, thì cớ gì chính quyền lại không biết, không thấy.

“Các địa phương đều có cả một hệ thống quản lý ở cấp cơ sở từ tổ trưởng, ban đại diện ấp, khu phố... chỉ cần một công trình xây dựng dân sinh nào rục rịch khởi công là lực lượng chức năng phường, xã đến “hỏi thăm” ngay. Thế mà việc san lấp mặt bằng trên diễn ra “vô tư” không bị xử lý. Như vậy, rõ ràng ở đây có sự nhân nhượng hay tiếp tay của lực lượng chức năng?”, ông Trần Quang Đạt bày tỏ.

Theo luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Giám đốc Công ty luật TNHH MTV Tri Ân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai), những vụ vi phạm trật tự xây dựng ở Đồng Nai không phải do các lỗ hổng về pháp lý, vì thực tế trong lĩnh vực xây dựng, trật tự đô thị, pháp luật đã có quy định đầy đủ chặt chẽ.

Luật sư Quân đặt vấn đề, chưa bàn đến chuyện có tiêu cực, có “lợi ích nhóm” hay không, nhưng việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng liên tục cần xem xét lại năng lực và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Đối với những công trình đã được xác định là vi phạm, luật sư cho rằng, cần cưỡng chế theo đúng quy định để thể hiện tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật.

“Pháp luật đã quy định đầy đủ thì đương nhiên phải cưỡng chế. Cần áp dụng một cách minh bạch và công bằng giữa tất cả các công trình dù lớn hay dù nhỏ. Đã vi phạm, có pháp luật, có chế tài thì chúng ta phải thực hiện.

Chính quyền cần phải cưỡng chế, tất nhiên nó gây ra hậu quả về kinh tế nhưng điều lớn nhất là tính khách quan, tính công bằng. Tất cả các chủ thể, người giàu, người nghèo, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, tổ chức, cá nhân tất cả đều công bằng trước pháp luật”, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân cho hay.  

Trở lại câu chuyện của dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp, từ năm 2017 đến năm 2018, chủ đầu tư đã bị xử phạt hành chính, chính quyền TP. Biên Hòa cũng buộc chủ đầu tư bổ sung giấy phép, nếu không sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế. 

Tháng 9 vừa qua, Ủy ban nhân dân phường Tân Tiến, nơi tồn tại công trình trái phép nói trên đã lên kế hoạch cưỡng chế. Theo đó, sau khi tiến hành các bước rà soát, củng cố tính pháp lý của các hồ sơ cưỡng chế, xây dựng kế hoạch, xin chủ trương và chờ chấp thuận, dự kiến sẽ tiến hành cưỡng chế trong khoảng thời gian từ ngày 28/10 đến 6/11. Nhưng đến nay đã quá thời gian nêu trên mà vẫn chưa có thêm động thái nào.

Liệu những công trình “khủng” trái phép ở Đồng Nai sẽ bị cưỡng chế để đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật hay sai phạm sẽ được “hợp thức hóa”? Dư luận sẽ dõi theo những động thái tiếp theo của chính quyền tỉnh Đồng Nai trong vấn đề nhức nhối này.

Xuân Lượng