|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng giả xuất hiện ở trung tâm thương mại

11:00 | 15/11/2016
Chia sẻ
Tại một số trung tâm thương mại (TTTM), hàng nhái, hàng giả các thương hiệu lớn bằng nhiều cách đã len lỏi được vào các quầy hàng lớn, được bày bán công khai.

10 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng chục ngàn sản phẩm gồm đồng hồ (Rolex, Casio…); giày Adidas, Nike; túi xách, ví da thương hiệu Louis Vuitton; mắt kính RayBan, Dior… giả tại nhiều điểm bán hàng lớn ở TPHCM.

hang gia xuat hien o trung tam thuong mai
Ảnh minh họa (Nguồn: Sài Gòn đầu tư tài chính)

“Fake” đủ loại

Hàng giả mạo thương hiệu không chỉ “tung tăng” ở các chợ mà đã và đang xuất hiện ở một số TTTM tọa lạc ở các TP lớn. Thay vì lén lút, âm thầm chuyền tay bán cho du khách, thì nay các mặt hàng này được người bán thừa nhận hàng nhái và không ngại ngần nói thẳng “hàng fake (hàng nhái) ở đây đẳng cấp hơn hàng chợ”.

Có thể điểm qua một số TTTM như Saigon Square, An Đông Plaza, Lucky Plaza…, đây là những nơi bày bán khá nhiều quần áo, giày dép, túi xách, kính mát đủ thương hiệu: Adidas, Nike, Mango, Louis Vuitton, RayBan, Dior…

Thử ghé một quầy chuyên doanh sản phẩm mắt kính tại TTTM Saigon Square, người bán vui vẻ giới thiệu nhiều mẫu mã, kiểu dáng dành cho mọi lứa tuổi, phù hợp với mặt tròn, mặt vuông, dài… Giá dao động ở mức vài trăm ngàn đồng đến gần 1 triệu đồng/chiếc.

Chị bán hàng nói nhỏ, toàn hàng fake nên giá mới bèo như thế. Chỉ sang lố kính RayBan (Italia) đang chạy chương trình khuyến mãi giá 120.000 đồng/chiếc, chị bán hàng cho biết, tuy là fake nhưng có đủ cấp độ, giá càng mắc thì fake càng giống thật, tinh tế từ đường nét đến chất liệu. Tuy vậy, khi khách hàng thắc mắc, liệu có thể xuất hóa đơn đỏ để thanh toán cho công ty hay không thì chị này lắc đầu kêu không có.

Tại tầng trệt TTTM Lucky Plaza, khách quốc tế tìm mua hàng lưu niệm, túi xách khá nhộn nhịp. Ngoài những sản phẩm có giá trị về mặt tinh thần để níu chân du khách (nón lá, tranh gạo, tranh sơn mài…) thì xen kẽ đó là hàng loạt quầy mắt kính, túi xách, ví da đủ loại nhái, giả hiệu Louis Vuitton, Chanel, Gucci, The North Face…

Đương nhiên mẫu mã, kiểu dáng khá giống hàng thật; còn chất lượng thì tiền nào của ấy. Để trấn an người tiêu dùng, nhiều chủ hàng chuyên hàng Tommy, Lacoste, Burberry khẳng định, phần lớn các sản phẩm thời trang này là hàng xuất khẩu 100%, bị một vài lỗi nhỏ nên giữ lại bán ở thị trường nội địa với giá rẻ, từ 400.000 - 600.000 đồng/chiếc.

Trả lời Báo SGGP về việc có hay không hàng chính hãng đang bán ở các TTTM nêu trên, đại diện Louis Vuitton, Adidas, Nike tại TPHCM khẳng định các sản phẩm của họ không bán trộn lẫn cùng lúc với nhiều thương hiệu khác và cũng chẳng có mức giá nào chỉ vài trăm ngàn đồng một sản phẩm. Do vậy, người tiêu dùng nên mua hàng ở các đại lý phân phối chính hãng (được đăng tải chính thức trên website) để tránh mua nhầm hàng nhái, hàng giả.

Xử phạt không xuể

Theo quy định hiện hành, hành vi buôn bán hàng giả sẽ bị phạt tiền ở mức cao nhất là 30 triệu đồng. Ngoài ra, còn kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả; nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng nghiêm túc thực hiện. Bằng chứng là nhiều điểm bán hàng vẫn kinh doanh hàng nhái, giả mạo thương hiệu.

Chính ban quản lý một số TTTM đã thừa nhận, tiểu thương chỉ ngán ngại khi cơ quan chuyên trách kiểm tra, xử phạt. Đối với ban quản lý, nhiệm vụ chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo, nhắc nhở bà con chấp hành các quy định của Nhà nước.

Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, vừa qua đơn vị đã kiểm tra, xử phạt hàng loạt cửa hàng, điểm bán hàng nhái, hàng giả tại một số chợ, TTTM như: Saigon Square, An Đông Plaza, SC Vivo City, chợ Bến Thành, chợ Nga…

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, nhìn nhận, chống hàng giả, hàng lậu là một cuộc chiến lâu dài, bền bỉ. “Chúng tôi thường xuyên ra quân kiểm tra, xử phạt các điểm nóng nói trên, nhưng căng sức làm mà vẫn không xuể. Thực tế, rất cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng, ban ngành trong việc dẹp bớt vấn nạn hàng dỏm; bên cạnh đó các địa phương cũng cần rốt ráo, trách nhiệm hơn đối với việc quản lý địa bàn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc kinh doanh hàng kém chất lượng”, ông Phan Hoàn Kiếm nói.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến:

Xử phạt nghiêm các đối tượng buôn bán, kinh doanh hàng “dỏm”

Nhiều quốc gia phát triển có hình thức xử phạt nghiêm đối với người mua hàng. Ví dụ như ở Pháp, trong quá trình làm thủ tục tại sân bay nếu phát hiện du khách sử dụng hàng giả, hải quan Pháp sẽ tịch thu sản phẩm, xử phạt du khách số tiền gấp đôi trị giá sản phẩm thật, thậm chí du khách đối diện với án phạt tù.

Trong thời gian tới, UBND TPHCM sẽ đôn đốc các cơ quan chuyên trách thường xuyên kiểm tra, xử phạt mạnh tay đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Song song đó, triển khai thêm các chương trình phối hợp giữa đại diện những thương hiệu nổi tiếng thế giới có mặt tại TPHCM với cơ quan chuyên trách, nhằm giới thiệu cho người tiêu dùng phương pháp nhận diện hàng thật, hàng giả.

Thực tế, việc phân biệt sản phẩm giả mạo thông qua giá bán khá đơn giản; nhưng nếu sản phẩm bị giả mạo tinh vi, bán với giá hàng thật tại các TTTM lại là vấn đề rất đáng lo ngại.

Thi Hồng