Hanco 3 đề xuất đập bỏ ba tòa nhà và sự bế tắc của các dự án dân sinh
Từ nhu cầu thực…
Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, nhu cầu nhà ở xã hội tại Thủ đô rất lớn. Tính đến năm 2015, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội của Hà Nội chỉ đạt 361.443m2/811.936m2 kế hoạch. Phần diện tích còn thiếu phải chuyển sang giai đoạn 2016 - 2020.
Mới đây, Sở này cũng đã đề nghị chuyển đổi 2 tòa nhà A2, A3 thuộc Dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) sang nhà ở xã hội để giải tỏa cơn khát nhà ở của người có thu nhập thấp.
Các dự án nhà ở xã hội vẫn luôn thu hút sự chú ý vì đáp ứng nhu cầu thật của người dân. Để đủ điều kiện mua nhà, người dân phải thỏa mãn nhiều điều kiện đồng thời sau đó phải bốc thăm với tỷ lệ chọi cao như… thi đại học.
Chẳng hạn như tại dự án nhà ở xã hội Minh Khai, dù chỉ có hơn 60 căn hộ bán cho đối tượng thu nhập thấp nhưng có tới hơn 400 hồ sơ, tỷ lệ chọi là 1: 6,6. Hay tại dự án nhà ở xã hội Đại Kim, một người dân cho biết: “Ngày đầu đến nộp hồ sơ, tôi đã hoang mang khi thấy có gần 300 người nộp và vài trăm hồ sơ trước đó. Như vậy, để có được một suất thuê phải ‘đấu’ với gần 20 người. Ở vòng chấm điểm tới, nếu gia đình tôi không đạt điểm cao sẽ khó lòng được tham gia bốc thăm quyền thuê căn hộ”.
… Đến những dự án lỗi
Khảo sát thực tế tại hai dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) và dự án nhà tái định cư thuộc khu đô thị mới Sài Đồng đều cho thấy có không ít bất cập.
Tại dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, toàn dự án có 6 tòa thì chỉ có 3 tòa là A1, A5 và A6 là có sinh viên vào ở, các tòa A2, A3 xây thô xong bỏ hoang, nhà A4 chưa thi công do thiếu mặt bằng. Vị trí dự án có ảnh hưởng lớn khiến cho các căn nhà này không được yêu thích, chọn lựa.
Nằm cách Bến xe Nước Ngầm khoảng 1 km, nhưng khu vực dự án lại ít tuyến xe bus chạy qua. Việc di chuyển bằng phương tiện công cộng không khả thi do phải đi bộ xa. Dự án đứng chân tại khu vực cách xa các trường đại học. Cùng với việc mua sắm, các loại hình giải trí hạn chế nên rất ít sinh viên chịu về đây ở, dù mức thuê là rất hợp lý: 205.000 đồng/người/tháng (chưa gồm phí điện, nước), mỗi phòng 8 người, diện tích khoảng 60 m2.
Với dự án nhà ở xã hội tại Sài Đồng, đây là dự án nhà tái định cư được triển khai từ năm 2001 - 2006 do Hanco 3 làm chủ đầu tư, dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng. Do xảy ra tình trạng khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay. Kéo theo đó là sự dang dở của dự án mở rộng đường phố Sài Đồng.
Tại dự án, phóng viên Đầu tư Bất động sản ghi nhận được việc ba tòa nhà bị bỏ hoang. Cả ban quản lý dự án cũng không có mặt, các văn phòng quản lý đóng kín cửa, khóa kín và rỉ sét. Tầng 1 của tòa nhà được trưng dụng để làm nơi chứa đồ, có chỗ được cho thuê làm xưởng cơ khí.
Xung quanh dự án, cỏ mọc um tùm, khu vực sân chơi được trưng dụng để chứa vật liệu xây dựng, gạch lát nền và cột đèn xếp ngổn ngang. Do bỏ hoang nhiều năm, cơ sở vật chất của dự án đã bị xuống cấp, cửa kính bị phá vỡ, tường bị nứt nẻ và đọng nước. Nhiều người dân thấy đất bỏ hoang lãng phí nên đã tiến hành cải tạo để trồng rau ăn.
Nhà ở xã hội bị lạnh nhạt
Thủ tục hành chính và thiếu sự hỗ trợ về vốn ưu đãi đang là rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp không mặn mà với các dự án nhà ở xã hội. Đại diện Tổng công ty Hoàng Quân, đơn vị trực tiếp thực hiện các dự án nhà ở xã hội từng chia sẻ: Thủ tục làm nhà ở xã hội nhiều gấp hai lần làm nhà ở thương mại. Đặc biệt là các thủ tục về đất đai, quy hoạch, thủ tục giải ngân và thanh, kiểm tra vì có liên quan đến nguồn vốn của ngân sách. Chính sự rườm rà này đã khiến cho các doanh nghiệp ngại chạm vào các dự án nhà ở xã hội, dù biết đó là nhu cầu thực, tính thanh khoản cao.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng từng thừa nhận: “Việc phát triển phân khúc nhà ở cho thuê tuy có được ưu đãi hơn các phân khúc khác nhưng còn rất chậm, do xây dựng nhà ở cho thuê cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn vốn hiện nay chủ yếu là vay thương mại ngắn hạn, tiền thuê nhà không đủ bù đắp chi phí đầu tư xây dựng và chi phí tài chính”.
Còn ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho biết: “Chúng tôi đi giám sát thấy có rất nhiều cơ chế khiến doanh nghiệp khó chịu. Cụ thể là các thủ tục về vốn, đất đai, xây dựng nhiều “cửa”! Thủ tục hành chính đè lên nhà đầu tư nhiều. Doanh nghiệp đi làm phúc lợi xã hội mà nhiều thủ tục đè quá thì làm thế nào được”.
Cái khó bó cái khôn
Thực tế, việc triển khai các dự án tái định cư trên địa bàn Hà Nội thường bị chậm tiến độ, do đó, nhiều hộ dân thuộc diện di dời thường không hợp tác vì lo sợ chậm được nhận nhà khi đã bàn giao đất. Tiền lệ xấu về sự chậm trễ tại các dự án đã khiến cho việc triển khai các dự án kiểu này vướng vào vòng luẩn quẩn: không giải phóng được mặt bằng (nơi cần giải tỏa), nhà tái định cư không có người ở do bị chậm, thiết kế lỗi thời,… dẫn đến sự lãng phí lớn. Bên cạnh đó, chất lượng công trình luôn là niềm băn khoăn lớn của người mua khi chỉ một thời gian ngắn là xuống cấp.
Được biết, hiện nay Hà Nội còn tới gần 1.000 căn hộ tái định cư đã xây xong từ lâu nhưng chưa bàn giao được cho người dân. Nguyên nhân do nhiều dự án giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, khiếu kiện như dự án đường vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), đường sắt trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, một phần đường vành đai 3.
Quay trở lại với đề xuất đập bỏ toàn bộ 3 tòa nhà của Handico 3 mới đây, phóng viên Đầu tư Bất động sản ghi nhận được nhiều ý kiến đề xuất của nhiều người dân, trong đó có nhiều ý kiến đề nghị nên cải tạo để cho thuê.
“Hiện, quanh khu vực dự án, có nhiều doanh nghiệp hoạt động, do đó, nhu cầu về nhà ở của công nhân là rất lớn. Thay vì đập bỏ gây lãng phí, thành phố nên có phương án cải tạo và cho thuê là hợp lý nhất”, một hộ dân ngay cạnh dự án cho biết.
Một vấn đề nữa khiến cho đề xuất phá bỏ 150 căn hộ tái định cư này sẽ gặp khó khăn đó là khi xây dựng khu nhà thì Handico 3 còn là doanh nghiệp nhà nước. Do đó, nếu số tiền xây dựng nhà tái định cư chủ đầu tư đã được Thành phố bù trừ nghĩa vụ tài chính thì tiền xây dựng khu nhà này là tiền ngân sách. Vậy đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí này?
Toà tái định cư bị bỏ hoang tại Hà Nội: Không phải muốn phá dỡ là được!
Trước đề xuất của Cty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) về phá dỡ 3 toà tái định cư tại khu đô ... |