|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Doanh nghiệp Hàn Quốc đặt cược lớn vào Việt Nam bất chấp rủi ro

13:46 | 12/04/2019
Chia sẻ
Các chaebol của Hàn Quốc đang đầu tư vào các tập đoàn tại Đông Nam Á, nhưng lần này họ lại bỏ qua những dấu hiệu thị trường suy yếu.
Doanh nghiệp Hàn Quốc đặt cược lớn vào Việt Nam bất chấp rủi ro - Ảnh 1.

SK đã công bố kế hoạch đầu tư một tỉ USD vào Vingroup.

Vì đâu Việt Nam hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư Hàn Quốc

Bloomberg đưa tin, các chaebol của Hàn Quốc đang đặt cược vào các tập đoàn lớn của Việt Nam. Họ thậm chí sẵn sàng bỏ qua những dấu hiệu thị trường suy yếu.

Samsung Electronics đang là nhà tuyển dụng lớn nhất tại Việt Nam. Từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, một phần ba khoản đầu tư trực tiếp vào Việt Nam có nguồn gốc từ Hàn Quốc.

Các quỹ đầu tư cá nhân cũng đang huy động vốn. Năm 2018, người dân Hàn Quốc là khách hàng nước ngoài mua căn hộ cao cấp nhiều thứ hai tại TP HCM và họ còn đổ xô vào các quỹ chứng khoán tập trung tại Việt Nam, mặc dù xu hướng này vô tình khiến các thị trường mới nổi khác xấu hơn.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đặt cược lớn vào Việt Nam bất chấp rủi ro - Ảnh 2.

Tình cảm đầu tư của Mỹ tại Việt Nam thường dao động, trong khi đó, nhà đầu tư Hàn Quốc lại "yêu thích" Việt Nam ngay từ đầu.

Sự hiện diện của giới doanh nghiệp Hàn đang thể hiện ở mọi nơi tại Việt Nam. Vào tháng 3 vừa qua, SK Group của Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư một tỉ USD vào Vingroup JSC. Đây là lần đặt cược lớn nhất của SK Group vào một tập đoàn Việt Nam. Trước đó, vào tháng 9/2018, SK Group đã mua lại 9,5% cổ phần tại Masan Group, một tập đoàn nhỏ hơn, với giá 470 triệu USD.

Mặc dù vậy, phép tính ấy vẫn chưa kín kẽ. Với mức giá tối thiểu 100.000 đồng (4,31 USD)/cổ phiếu, SK đang định giá Vingroup cao hơn 43 lần lợi nhuận năm 2019.

Nếu tập đoàn Hàn Quốc này quan tâm đến danh mục đầu tư bất động sản của Vingroup, họ có thể mua công ty phát triển bất động sản Vinhomes JSC cao hơn 18,3 lần lợi nhuận. Hiện tại, Vinhomes JSC chiếm đến hai phần ba doanh thu của công ty mẹ, Vingroup.

Hoặc nếu SK quan tâm đến hoạt động vận hành trung tâm bán lẻ của Vingroup, Vincom Retail JSC có thể được mua cao gấp 26,2 lần lợi nhuận.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đặt cược lớn vào Việt Nam bất chấp rủi ro - Ảnh 3.

Thay vì mua cổ phiếu Vingroup, các nhà đầu tư có thể mua Vinhomes hoặc Vincom Retail, cùng nhau chiếm khoảng 85% doanh thu của công ty mẹ - Vingroup - vào năm 2018.

Tất nhiên, SK Group mới là phía có quyền quyết định số tiền mà họ sẽ đầu tư.

Cái gọi là "Vin Family", gồm Vingroup, Vinhomes và Vincom Retail, hiện chiếm gần một phần tư chỉ số chuẩn (benchmark index), tăng từ mức 8% của hai năm trước. Điều này không giống cách Samsung Group ảnh hưởng lên chỉ số Kospi tại Hàn Quốc.

Khi tỉ suất hoàn vốn của Vingroup trong năm nay là 20%, được hỗ trợ bởi mức đầu tư một tỉ USD từ SK, các quĩ hoạt động hiện có một lựa chọn không thể chối từ: mua một công ty cổ phần với mức định giá cao ngất trời hoặc giải thích cho các nhà đầu tư tại sao bạn không tham gia vào quĩ ETF. Dòng vốn đầu tư nước ngoài đang bị giảm so với năm 2018.

Mê cung sở hữu chéo thị trường Việt Nam

Càng ngày, thị trường Việt Nam càng bắt đầu giống Seoul và bạn không biết ai là ai trong mê cung của những chủ sở hữu chéo.

Vietnam Investment Group JSC (VIG), một quĩ đầu tư cổ phần tư nhân với 27,5% cổ phần của nhà sáng lập kiêm chủ tịch Phạm Nhật Vượng, là cổ đông lớn nhất của blue-chip Vingroup. Vậy nhưng ai là ngưởi sở hữu công ty đầu tư trên?

Bloomberg không tìm hiểu được nhiều thông tin kể từ khi công ty này được cấu trúc như một công ty vốn cổ phần tư nhân. Tất cả thông tin được công bố là Chủ tịch Vingroup sở hữu hơn 10% vốn điều lệ của VIG, theo một hồ sơ của công ty này năm 2016.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đặt cược lớn vào Việt Nam bất chấp rủi ro - Ảnh 4.

Không rõ ai là người kiểm soát Vingroup, công ty đại chúng lớn nhất Việt Nam.

VIG không phải là một nhà đầu tư thụ động. Năm 2016, Vingroup đã trả cho công ty này hơn 17 triệu USD cho một hợp đồng chuyển nhượng đất và các khoản phí cho thuê văn phòng và sử dụng cơ sở hạ tầng khác vào năm 2018.

Vai trò của cổ đông ẩn danh này đối với hoạt động kinh doanh của Vingroup vẫn là một dấu hỏi.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đặt cược lớn vào Việt Nam bất chấp rủi ro - Ảnh 5.

Định giá của Kospi so với các thị trường mới nổi tiếp tục giảm.

Có lẽ đây không phải là một vấn đề lớn đối với các nhà đầu tư bán lẻ của Hàn Quốc, những người phải giải quyết gần 100.000 sở hữu vốn chaebol chéo vào năm 2013. Tuy nhiên, đối với những người khác, đây là một dấu hiệu cảnh báo.

Cho đến nay, Việt Nam đang ngày càng được ưa thích và giúp thúc đẩy năng lực sản xuất của Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu Việt Nam cho phép thị trường chứng khoán hoạt động như của Seoul, thị trường chứng khoán sẽ sớm sụt giảm như tại Hàn Quốc. 

Trần Nam Thi