Hai tầng thách thức nếu Trump trục xuất ba triệu người nhập cư
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (Ảnh: AP) |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn chương trình "60 Minutes" của kênh CBS, tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump nói rằng ông sẽ trục xuất 2 - 3 triệu người nhập cư phạm tội. Khi được hỏi liệu ông có tìm cách trục xuất "hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ", ông Trump nói ưu tiên của mình sẽ là loại bỏ "những tên tội phạm và có quá khứ tội phạm".
Việc đề ra con số này làm dấy lên câu hỏi những nhóm người nhập cư nào sẽ bị đưa vào tầm ngắm và cách thức để đạt được mục tiêu này.
"Nếu ông ấy muốn trục xuất 2 - 3 triệu người, ông ấy buộc phải dùng tới các chiến thuật gây chia rẽ cộng đồng và tạo ra sự sợ hãi bao trùm nước Mỹ", Kevin Appleby, giám đốc cấp cao về chính sách nhập cư quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Di cư New York nhận định. "Ông ấy sẽ phải thực hiện một cuộc truy quét, hoặc bố ráp, hoặc các chiến thuật tương tự để đạt được con số mong muốn. Việc đó sẽ tạo ra một lực lượng cảnh sát phải luôn đi săn lùng người nhập cư".
Thủ tục phức tạp
Vox cho rằng tuyên bố của ông Trump có nghĩa là ông sẽ trục xuất 2 - 3 triệu người nhập cư trái phép và phạm tội. Trang này đánh giá đây là con số phóng đại và Mỹ thực tế không có đủ từng đó số người rơi vào trường hợp này. Trong khi đó, NYTimes cho rằng tuyên bố của ông Trump có thể được hiểu là ông sẽ trục xuất cả những người nhập cư hợp pháp nhưng phạm tội.
Chính quyền Tổng thống Obama ước tính có 1,9 triệu "tội phạm nước ngoài có thể trục xuất" đang ở Mỹ. Con số này bao gồm cả những người có thẻ xanh thường trú hợp pháp và cả những người chỉ có thị thực ngắn hạn. Cũng nằm trong số này không chỉ có những người phạm trọng tội hoặc có liên quan đến bạo lực băng nhóm, mà còn có những người bị tuyên phạm các tội danh không bạo lực như trộm cắp.
"Chắc chắn họ có rất nhiều đối tượng để bắt tay vào việc", Jessica M. Vaughan, giám đốc chính sách Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư khẳng định. Nhưng cho dù số liệu ông Trump đưa ra là chính xác, chưa rõ ông có thể thực hiện trục xuất nhanh chóng như vậy mà không vi phạm các quy định liên quan.
Nhiều trường hợp, những người bị kết tội phải hầu tòa qua một loạt tiến trình xét xử người nhập cư trước khi bị trục xuất. Các tòa án này có rất nhiều vụ việc tồn đọng nên việc xin được lệnh trục xuất từ thẩm phán có thể mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là vài năm.
Hàng nghìn người nhập cư đang thụ án tù giam không thể rút ngắn, theo các quy định hiện hành. Theo các số liệu chính thức, tính đến tháng 6, 183.000 người nhập cư bị kết án và cũng đã có lệnh trục xuất để có thể nhanh chóng bị buộc rời nước Mỹ.
Đi theo chính sách của ông Obama?
Theo NYTimes, cách tiếp cận của ông Trump về phần nào sẽ là sự tiếp nối những chính sách ông Obama đã theo đuổi, nhằm tập trung các lực lượng quản lý nhập cư vào trục xuất tội phạm bị kết án. Năm 2014, chính quyền Obama đã ban hành nhiều chỉ thị, yêu cầu nhân viên hành pháp ưu tiên cao nhất cho việc trục xuất tội phạm.
Năm 2015, theo số liệu của Cơ quan Hải quan và Nhập cư Mỹ, 59% trong số 235.413 người bị trục xuất là tội phạm bị kết án, 41% bị trục xuất vì vi phạm quy định nhập cảnh.
Từ năm 2009, ông Obama đã chỉ đạo việc trục xuất khoảng 2,5 triệu người nhập cư, khiến các nhóm ủng hộ người nhập cư lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Chính sách này vốn một phần nhằm lôi kéo sự ủng hộ cho việc sửa đổi trên phạm vi rộng các quy định về nhập cư, mà lẽ ra sẽ tạo ra một "cửa" cho những người nhập cư sinh sống bất hợp pháp tại Mỹ nhập tịch.
Theo chương trình tên là Cộng đồng An ninh hiện đã bị ngừng, chính quyền Obama sử dụng vân tay đã được số hóa do lực lượng hành pháp địa phương cung cấp, để truy tìm và trục xuất những người nhập cư phạm tội. Lực lượng Hải quan và Nhập cư cũng kết hợp với chính quyền địa phương để ưu tiên việc bắt và tống giam tội phạm người nước ngoài.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama, mỗi năm các biện pháp này đã giúp trục xuất khoảng 400.000 người. Nếu muốn đạt được con số cao hơn thế nhiều lần, gần như chắc chắn chính quyền mới sẽ phải tái triển khai một chương trình tương tự như của ông Obama, và sử dụng một lực lượng quản lý nhập cư lớn hơn rất nhiều, cùng các chiến thuật quyết liệt hơn.
Phản kháng tại địa phương
Việc tái triển khai các chương trình hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng liên bang và địa phương có thể khiến ông Trump vấp phải sự phản đối từ nhiều địa phương, cũng như những thách thức pháp lý.
Ông Trump từng tuyên bố sẽ cắt hẳn ngân sách liên bang cấp cho các địa phương từ chối hỗ trợ nhân viên liên bang bắt giữ người nhập cư trái phép. Trong chiến dịch tranh cử, tỷ phú cũng nêu ra nhiều tội ác kinh hoàng của người nhập cư, mà theo ông họ đã lẩn tránh được việc bị bắt giam do các chính sách bảo trợ.
Tại cuộc họp báo ở Chicago hôm 14/11, thị trưởng Rahm Emanuel phải tìm cách xoa dịu những lo ngại về việc bị trục xuất hoặc quấy rối. Ông tái khẳng định Chicago là thành phố dành cho người nhập cư.
Hạt Cook, nơi thành phố Chicago là thủ phủ, đã áp đặt một chính sách hạn chế nghiêm ngặt sự hợp tác giữa cảnh sát của mình và nhân viên liên bang. Ông Emanuel khuyến khích người di cư gọi vào đường dây nóng để được tư vấn pháp lý. Thành phố này cũng sẽ sớm triển khai một chương trình xác định danh tính nhanh chóng cho phép những người nhập cư không có giấy tờ có thể tiếp cận các dịch vụ của thành phố.
Thị trưởng Minneapolis là Betsy Hodges thì thẳng thừng phản đối các chính sách của ông Trump. "Tôi sẽ tiếp tục sát cánh và tranh đấu cho người nhập cư bất kể tổng thống đắc cử Trump có đe dọa gì", bà Hodges nói. "Nếu cảnh sát phải làm việc của Cơ quan Hải quan và Nhập cư, điều đó sẽ tác động xấu tới khả năng đảm bảo an toàn cho người dân và bài trừ tội phạm".
Thị trưởng Ras Baraka của thành phố Newark thì tuyên bố chính sách bảo hộ của thành phố này sẽ không thay đổi.
Tại bang California, các nghị sĩ ở cơ quan lập pháp bang này, vốn do phe Dân chủ chiếm đa số, đã bác bỏ những số liệu và kế hoạch ông Trump đưa ra. "Thật sai lầm và hoàn toàn vô trách nhiệm khi cho rằng có tới ba triệu người di cư không có giấy tờ đang sống tại Mỹ là tội phạm nguy hiểm", ông Kevin de León, quyền chủ tịch thượng viện bang California nói.
Cảnh sát trưởng thành phố Los Angeles cho biết lực lượng của ông sẽ không thay đổi chính sách. "Chúng tôi sẽ không phối hợp với Cơ quan An ninh Nội địa trong các chiến dịch trục xuất người", ông Beck nói. "Đó không phải việc của chúng tôi và tôi sẽ không nhận lấy việc đó".