|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai lần chính sách tiền tệ của Việt Nam không song hành với thế giới, vấn đề tỷ giá cần quan tâm trở lại

07:18 | 17/08/2023
Chia sẻ
Ông Trần Ngọc Báu nhắc lại hai giai đoạn đều để lại hậu quả nặng nề khi chính sách tiền tệ của Việt Nam không song hành với chính sách của toàn cầu.

Tại hội thảo do CTCP Chứng khoán DNSE tổ chức mới đây, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup dự báo kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi trong 3-6 tháng tới, xuất khẩu của Việt Nam xét về giá trị tuyệt đối chưa thể phục hồi, nhưng tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ sẽ cải thiện, chủ yếu do nền cùng kỳ thấp.

Phân tích sức khỏe ba nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Trung Quốc và châu Âu qua hai chỉ số quan trọng là chỉ số sản xuất và khu vực tiêu dùng, ông cho hay sản xuất của Mỹ, châu Âu và đặc biệt là Trung Quốc gặp khó khăn liên tục. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang gặp vấn đề về giảm phát.

 PMI của ba nền kinh tế liên tục dưới mức 50 điểm. (Nguồn: WiChart).

Về khu vực tiêu dùng, doanh số bán lẻ của châu Âu tăng trưởng âm suốt từ năm 2022 đến nay. Trong khi đó, tiêu dùng của Mỹ và Trung Quốc cũng trong xu hướng giảm. "Kinh tế ba nền kinh lớn đang ở giai đoạn khó khăn chưa từng trải qua trong hơn 10 năm. Vì vậy xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục khó khăn thời gian tới", CEO WiGroup nhận định.

 

Phân tích về chính sách tiền tệ, ông Báu nhắc lại hai giai đoạn đều để lại hậu quả nặng nề khi chính sách tiền tệ của Việt Nam không song hành với chính sách của toàn cầu.  

Giai đoạn thứ nhất là 2000-2002, thứ hai là giai đoạn giữa 2022 khi thế giới tăng lãi suất, Việt Nam không tăng lãi suất sau đó tỷ giá biến động.

 Nguồn: WiChart.

Đại diện WiGroup cho hay kinh tế các nước đang trong tình trạng yếu nhưng vẫn tăng lãi suất do đạt mục tiêu quan trọng hơn cả là kiểm soát lạm phát.  

"Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới chỉ giảm lãi suất nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra hoặc khi lạm phát về dưới mức mục tiêu 2% trong 6 tháng tới.

Nếu như cả hai yếu tố trên không xảy ra, lãi suất duy trì như hiện nay. Không thể kỳ vọng Fed đến cuối năm sẽ hạ lãi suất khi lạm phát vẫn ở mức 4-5%", ông nói và cảnh báo rủi ro với Việt Nam khi đang đi ngược với chính sách toàn cầu.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo nguy cơ gia tăng chênh lệch lãi suất hiện hành giữa thị trường trong nước và quốc tế, gây áp lực lên tỷ giá.

"Chính sách tiền tệ bị thắt chặt hơn nữa ở các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn nhằm chống lạm phát kéo dài có thể làm gia tăng chênh lệch lãi suất hiện hành giữa các thị trường trong nước và quốc tế. Điều này có thể gây áp lực tỷ giá lên đồng nội tệ.

Vào tháng 7/2023, lãi suất tái cấp vốn của Fed cao hơn 2,5 điểm phần trăm so với lãi suất tái chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước", WB cho hay.

Shinhan Bank mới đây cũng đề cập đến vấn đề tỷ giá. Các chuyên gia tại đây dự báo VND có thể mất giá trong ngắn hạn, lên mức 23.600 VND/USD vào quý III nhưng sẽ trở về mức ổn định vào cuối năm 2023, đồng thời khuyến nghị NHNN không nên cắt giảm lãi suất quá sâu.       

 Dự báo tỷ giá của Shinhan Bank và một số nhà băng khác.

Ngân hàng này nhận định rằng Việt Nam đang đối mặt với một loạt thách thức, từ suy thoái kinh tế toàn cầu, thắt chặt tiền tệ ở các nước phát triển cũng như rào cản công nghệ của doanh nghiệp trong nước.

Theo Shinhan Bank, bối cảnh kinh tế khó khăn đang khiến cho nhu cầu quốc tế sụt giảm, làm xuất khẩu  cầm chừng khiến nguồn thu ngoại tệ bị yếu đi, ảnh hưởng tới tỷ giá. 

Ngoài ra, đồng nhân dân tệ yếu đi cũng đang gây áp lực lên VND. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và VND thường có xu hướng di chuyển cùng chiều với nhân dân tệ. Trong những tháng gần đây, quá trình phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc mất đà, lĩnh vực sản xuất yếu kém đang tạo gánh nặng lên VND.  

Tuy nhiên, đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực khi tỷ giá USD/VND đang trở nên ít nhạy cảm đối với các yếu tố bên ngoài. Cụ thể, Shinhan Bank cho biết tỷ giá USD/VND thường có xu hướng biến động cùng với đồng USD và nhân dân tệ. Tuy nhiên, trong quý II/2023, đồng tiền của Việt Nam đã có những biến động trái ngược với xu hướng yếu đi của nhân dân tệ. 

Ngoài ra, theo Shinhan Bank, VND cũng đã trở nên ít nhạy cảm hơn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài và các chỉ số chứng khoán trên thị trường.

Tỷ giá USD/VND trong 6 tháng đầu năm tương đối ổn định khi chỉ tăng nhẹ rồi giảm ngay trong quý I, sau đó duy trì trong biên độ hẹp vào quý II. 

Với những áp lực từ nền kinh tế toàn cầu, Shinhan Bank dự báo tỷ giá USD/VND tăng trong ngắn hạn (VND yếu đi). Tuy nhiên, sau đó tỷ giá có thể quay đầu giảm với kỳ vọng rằng Trung Quốc điều chỉnh các chính sách kinh tế của mình, cũng như lĩnh vực sản xuất toàn cầu thoát khỏi đáy và phục hồi.   

        

Anh Đào