Hải Dương cho chuyển nhượng 400 lô đất nền ven sông Hương
Theo thông tin từ Báo Hải Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này mới đây đã có thông báo kết quả kiểm tra hiện trạng và điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án đầu tư xây dựng khu dân cư Bắc sông Hương do CTCP Tập đoàn AH làm chủ đầu tư.
Cơ quan này xác nhận hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án cơ bản hoàn thành, các hạng mục công trình phù hợp quy hoạch chi tiết. CTCP Tập đoàn AH đủ điều kiện được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức bán đất nền đối với 400 lô đất thuộc dự án.
Các lô đất này thuộc loại đất ở nông thôn đã được UBND tỉnh giao đất vào tháng 3 và tháng 11/2021, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho CTCP Tập đoàn AH vào ngày 2/2/2024.
Khu vực 400 lô đất này đã hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật san nền, đường giao thông, thoát nước mưa, nước thải, cấp nước sinh hoạt, cấp điện sinh hoạt, điện chiếu sáng, cây xanh, thông tin liên lạc và đã được Sở Xây dựng nghiệm thu vào cuối tháng 2.
Khu dân cư Bắc Sông Hương có vị trí tại xã Tân Việt, huyện Thanh Hà; có phía bắc giáp khu dân cư mới, phía nam giáp ruộng canh tác, phía đông giáp khu dân cư thôn Lam Sơn, phía tây giáp ruộng canh tác.
Dự án được UBND huyện Thanh Hà phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 năm 2019, rộng gần 9,8 ha, tổng mức đầu tư hơn 131 tỷ đồng.
Tháng 8 năm ngoái, chủ đầu tư đã đề nghị gia hạn thời gian hoàn thành đầu tư xây dựng toàn bộ hạng mục công trình trước ngày 8/9/2024. Nguyên nhân do quá trình triển khai dự án, quá trình bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công xây dựng các hạng mục công trình. Mặt bằng được bàn giao làm nhiều đợt nên việc thi công bị ngắt quãng.
Cùng với đó, trong quá trình triên khai thực hiện dự án chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế hoạch triển khai hạ tầng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, không thể huy động máy móc, nhân công để tập trung thi công trong thời gian giãn cách xã hội. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp gặp khó khăn khi thiếu nhân công, nguyên vật liệu khan hiếm, chi phí đầu vào tăng cao…