|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hai 'động cơ' đẩy tăng trưởng trong hoạt động vận tải hàng không của Vietjet

14:13 | 04/09/2019
Chia sẻ
Nửa đầu năm 2019, doanh thu mảng phụ trợ hàng không đóng góp hơn 1/5 trên tổng doanh thu của Vietjet.
skyboss

Dịch vụ phụ trợ SkyBoss của hãng hàng không Vietjet

Dịch vụ phụ trợ hàng không tăng tốc

5.437 tỉ đồng là con số CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) thu được từ hoạt động kinh doanh phụ trợ hàng không (airlines ancillary) trong 6 tháng đầu năm, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cùng với vận chuyển hành khách quốc tế, hoạt động phụ trợ hàng không đang trở thành "cỗ máy" tạo động lực tăng trưởng doanh thu cho Vietjet.

Riêng doanh thu phụ trợ đóng góp hơn 22% trên tổng doanh thu của hãng hàng không nắm thị phần nội địa số một tại Việt Nam. Còn nếu so tỷ trọng trên doanh thu vận tải hành khách (loại bỏ phần doanh thu từ bán và thuê lại tàu bay), tỷ trọng mảng phụ trợ đóng góp tới 28,6%. 

Kể từ năm 2017, đóng góp của mảng phụ trợ trong kết quả kinh doanh của Vietjet gia tăng đáng kể. Năm ngoái, doanh thu phụ trợ đạt 8.410 tỉ đồng, tương đương 15,7% trên doanh thu thuần, con số của năm trước đó là 5.477 tỉ đồng, tương đương 12,6% tổng doanh thu của hãng.

Trong hai năm gần nhất, tăng trưởng doanh thu phụ trợ của Vietjet đều đạt tốc độ 54% đã góp phần nâng kết quả năm 2018 gấp 2,4 lần so với năm 2016. 

vjc chart

BM tổng hợp

Trong ngành hàng không, doanh thu hoạt động phụ trợ đến từ các nguồn thu phi vé như ký gửi hành lý, thực phẩm hay dịch vụ trên tàu bay... mà hãng hàng không cung cấp. 

Đối với các hãng hàng không LCC (Low Cost Carrier), doanh thu phụ trợ trở thành một trong những yếu tố quan trọng giúp công ty có thể đem về lợi nhuận nhằm kéo lại yếu tố giá vé rẻ. 

Trên thế giới, một số hãng hàng không có tỷ lệ đóng góp mảng phụ trợ vào tổng doanh thu trên mức 40%, top đầu như Spirit, Viva Aerobus, hay Frontier… và đây đều là các hãng hàng không LCC. 

Thậm chí với tỷ lệ doanh thu phụ trợ trên tổng doanh thu ở mức 27%, một hãng hàng không có thể chen chân vào trong top 10 về chỉ số này trên thế giới. Như đã nói, tỷ lệ của Vietjet trong 6 tháng đầu năm là 22% và đang tăng mạnh mẽ qua từng năm. 

Với việc chuyên chở 13,5 triệu lượt khách, doanh thu phụ trợ trung bình trên lượt khách của Vietjet là hơn 400.000 đồng (khoảng 17,4 USD). Đây là con số không cao nếu so trên thế giới, nhưng nó cũng để ngỏ tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. 

Vietjet hiện cung cấp từ dịch vụ đưa đón hành khách bằng xe bus đến sân bay, làm thủ tục nhanh, chọn chỗ, dịch vụ hành lý, hàng hóa, phục vụ trên tàu bay, SkyBoss cho đến bán hàng miễn thuế và dịch vụ đặc biệt (cho khách hàng khiếm thị hay ngồi xe lăn…). 

"Cặp đôi" của các chuyến bay dài

vjc 2

Cơ cấu doanh thu của Vietjet 6 tháng đầu năm (BM tổng hợp)

Bán niên 2019, lần đầu tiên báo cáo tài chính của Vietjet cho thấy dấu hiệu sụt giảm đối với doanh thu nội địa so với cùng kỳ (đạt 6.417 tỉ đồng), bất chấp việc hãng vẫn nắm thị phần tới 44%, bỏ xa Vietnam Airlines với 35,9%.

Để tăng trưởng, Vietjet đẩy mạnh khai thác các tuyến bay quốc tế bằng việc tung ra 9 tuyến bay đi Nhật Bản, Hồng Kông, Indonesia, Trung Quốc. 

Mạng đường bay quốc tế của Vietjet hiện đạt con số 120, phủ khắp các điểm đến Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Trung Quốc... 

Hoạt động vận tải quốc tế vươn lên trở thành nhân tố đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu vận tải hành khách với 6.865 tỉ đồng, tăng trưởng 51%. Và chính việc tăng cường các tuyến bay dài, vô hình chung lại giúp thúc đẩy tăng trưởng hoạt động phụ trợ của hãng. 

Theo Vietjet, thị trường quốc tế vẫn còn có dư địa lớn để phát triển, biên lợi nhuận tốt nhờ tăng trưởng doanh thu phụ trợ, ngoài ra đây cũng là hoạt động giúp tăng nguồn ngoại tệ cho hãng hàng không. 

Với định hướng chiến lược trở thành hãng hàng không tiêu dùng (Consumer Airlines), Vietjet đang tăng cường việc kết nối với các đối tác để tạo nên hệ sinh thái đa dạng phục vụ khách hàng. 

Tháng 8 vừa qua, Vietjet ra mắt hợp tác với Swift247 và Grab cung cấp dịch vụ giao hàng siêu hỏa tốc, thông qua nền tảng dịch vụ giao nhận hàng hóa GrabExpress của Grab và máy bay Vietjet...

Bạch Mộc