Hà Nội vay lại gần 2.300 tỉ đồng của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để vận hành công trình
Theo thông tin từ HĐND TP Hà Nội, sáng nay (8/7), HĐND TP đã tổ chức Kỳ họp thứ 9, khóa XV.
Thường trực HĐND Thành phố cho biết, trước kỳ họp này, HĐND TP đã tổng hợp 255 ý kiến, kiến nghị cụ thể chuyển sang UBND TP để giải quyết theo thẩm quyền, trong đó có 15 kiến nghị chung đề nghị trả lời ngay.
Hà Nội vay lại hơn hơn 2.300 tỉ đồng của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để vận hành công trình. Ảnh: Báo Giao thông.
Đáng chú ý là kiến nghị của cử tri đề nghị UBND TP Hà Nội có biện pháp khắc phục và đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do tiến độ quá chậm, việc hoàn trả mặt đường kém để tránh gây lãng phí thời gian và tiền của nhà nước.
Liên quan tới vấn đề này, tại kỳ họp sáng nay, HĐND TP Hà Nội đã thông qua kế hoạch vay lại hơn 98,35 triệu USD (tương đương hơn 2.300 tỉ đồng) phần vốn vay nước ngoài của dự án để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Theo báo Người Lao động, bà Hồ Vân Nga, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội, cho biết, việc thành phố thực hiện vay lại phần vốn vay nước ngoài của Dự án đã được Chính phủ chỉ đạo và được xác định trong phương án tài chính của Dự án.
Bà Nga cho biết thêm, phương án vay lại này được HĐND TP Hà Nội quyết nghị là căn cứ để cân đối nguồn lực và kế hoạch trả nợ của thành phố theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
"Khoản vay lại không làm vượt hạn mức dư nợ hàng năm của thành phố và không tính vào bội chi ngân sách địa phương. Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với chủ trương thực hiện vay lại vốn vay nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ", bà Nga nói.
Tại báo cáo gửi HĐND TP Hà Nội về phương án vay lại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, UBND TP Hà Nội cho biết, đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.001 tỉ đồng (868,04 triệu USD), trong đó vốn vay Trung Quốc là hơn 13.867 tỉ đồng (669,62 triệu USD), còn lại là phần đối ứng của Việt Nam.
Trong đó, phần chi phí liên quan trực tiếp đến việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải áp dụng với giá trị 92,52 triệu USD. Tuy nhiên vào năm 2016, Bộ GTVT đã ký phụ lục hợp đồng tăng phần chi phí liên quan này lên 98,35 triệu USD.
Đây cũng sẽ là khoản vay chuyển giao cho Hà Nội vay lại (dự án này do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, nhưng sau đó chuyển giao cho Hà Nội vận hành). Chính phủ cũng đã chấp nhận đề nghị của Hà Nội là nếu nhận chuyển giao, khoản vay được tính vào dư nợ của thành phố, nhưng không tính vào bội chi ngân sách địa phương, thành phố bố trí ngân sách địa phương để trả nợ.
Lãi suất cho vay lại là 4%/năm, tính trên số dư nợ vay lại. Trường hợp không trả nợ đúng hạn bất kỳ khoản nợ nào bao gồm gốc, lãi, phí và các chi phí liên quan khác, bên vay lại sẽ phải trả lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại, áp dụng cho số ngày quá hạn. Lãi và lãi phạt chậm trả được tính trên cơ sở số ngày thực tế áp dụng với một năm có 360 ngày.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/