|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội tiếp tục yêu cầu siết chặt bán hàng đa cấp

16:30 | 14/01/2017
Chia sẻ
Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố.
ha noi tiep tuc yeu cau siet chat ban hang da cap

Hà Nội tiếp tục yêu cầu siết hoạt động bán hàng đa cấp.

UBND thành phố Hà Nội vừa có yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp hoạt động trên địa bàn Hà Nội thực hiện đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động bán hàng đa cấp. Niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể phản ánh kịp thời các dấu hiệu vi phạm.

Công an thành phố Hà Nội thông qua công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp, đưa ra phương thức, thủ đoạn phạm tội để thông báo, tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác của doanh nghiệp, người dân, người tham gia bán hàng đa cấp. Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố theo quy định.

Cục thuế thành phố Hà Nội công khai thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về kết quả thanh tra, kiểm tra thế đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa bàn thành phố Hà Nội.

UBND các quận, huyện, thị xã chủ động thông tin, tuyên truyền, phổ biến về những quy định của pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp; những thủ đoạn lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xác minh, điều tra và xử lý vi phạm của các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp...

UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo trên; tổng hợp báo cáo UBND Thành phố, Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền.

Năm ngoái, trong một báo cáo phát đi, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2015, cơ quan này đã kiểm tra, xử lý vi phạm đối với 17 doanh nghiệp bán hàng đa cấp với số tiền xử phạt lên tới 1.561,4 tỷ đồng. Đa số các vi phạm là tổ chức bán hàng đa cấp khi chưa có Giấy chứng nhận bán hàng đa cấp do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Trong đó, có doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị phạt 180 triệu đồng (tháng 1/2015) do bán thực phẩm chức năng không phù hợp quy định an toàn thực phẩm và bị yêu cầu phải tái xuất hơn 2 tỷ đồng hàng hóa. Có doanh nghiệp bị phạt tới 170 triệu đồng và tịch thu, tiêu hủy hơn 60 triệu đồng giá trị hàng do nước ngoài sản xuất nhưng không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Các sản phẩm này bao gồm hàng nhập lậu, sản phẩm dùng để hỗ trợ chữa bệnh không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp khác bị xử phạt từ 80-100 triệu đồng chủ yếu do sai phạm do bán hàng đa cấp khi chưa có giấy phép hoặc không ghi nhãn hàng hóa. Một số kinh doanh không đúng địa điểm kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng bị xử phạt.

Để giúp người dân tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo, trục lợi,… Sở Công thương Hà Nội đưa ra một số dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hoạt động bán hàng đa cấp đề nghị Bí thư, Chủ tịch các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội tuyên truyền đến người dân.

Đáng lưu ý, trong công văn này, Sở Công Thương cho biết, hoạt động bán hàng đa cấp hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế với người dân, gây mất ổn định trật tự xã hội. Hoạt động thanh kiểm tra giám sát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn trong suốt năm 2015 và quý I/2016 cho thấy 100% các công ty có vi phạm hành chính, nhiều công ty có dấu hiệu lừa đảo.

Phương Dung

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.