Hà Nội thông qua chủ trương làm đường trên cao dài nhất Việt Nam
Ngày 22/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành nghị quyết về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội thống nhất, biểu quyết 100% quyết nghị đồng ý về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.
Đây là đường vành đai ngoài khu vực nội đô của đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội, liên kết với các tuyến đường bộ cao tốc, các tuyến đường trục hướng tâm, kết nối TP Hà Nội với các tỉnh lân cận.
Nghị quyết nhấn mạnh, việc sớm đầu tư tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.
Hà Nội kỳ vọng, tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn,...
Các quy trình, thủ tục đầu tư dự án phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Trong đó, lưu ý việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần theo hình thức PPP phải có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ theo quy định.
Dự án đường vành đai 4 đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, với chiều dài toàn tuyến khoảng 98 km, đi qua 14 huyện của ba tỉnh, thành phố. Trong đó: đoạn đi qua Hà Nội dài 56,5 km, Hưng Yên 20,3 km và Bắc Ninh 21,2 km. Dự án được dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
Dự kiến đường vành đai 4 có tổng mức đầu tư khoảng 160.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách bố trí khoảng 50% (gồm ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 25% tổng mức đầu tư; ngân sách của Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh khoảng 25% tổng mức đầu tư). Phần 50% vốn còn lại áp dụng cơ chế đối tác công - tư và xây dựng - kinh doanh - chuyển giao.
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chấp thuận giao UBND TP Hà Nội chuẩn bị đầu tư dự án trên cơ sở đã thống nhất với UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; thống nhất với Bộ GTVT chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng.